Khi nhắc đến chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và giữ liên lạc giữa hai miền Nam Bắc chúng ta thường nghĩ đến đường Trường Sơn. Tuy nhiên ngoài đường Trường Sơn ra còn có những con đường khác đã đóng góp rất to lớn nhưng không được chú ý đến vì chúng đã được bảo đảm bí mật. Nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về những con đường này, chúng ta hãy cùng tìm đọc cuốn sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của tác giả Đặng Phong, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2020
Cuốn sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” gồm 332 trang, được chia làm 5 phần mỗi phần giới thiệu về một con đường. Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Con đường đầu tiên được tác giả đề cập đến là đường Hồ Chí Minh trên bộ (hay còn gọi là đường Trường Sơn). Đây là tuyến đường được biết đến nhiều nhất, được ví như là con đường huyền thoại. Là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào tới miền Trung Nam Bộ và đi sâu vào miền Nam Việt Nam, đi qua hạ Lào, và Campuchia. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong 16 năm.
Con đường thứ hai là con đường xăng dầu, với tổng chiều dài tới 5.000 km, để vận chuyển nhiên liệu suốt từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển miền Bắc vào đến tận Nam Bộ, có chỗ vượt qua cả những độ cao tới gần ngàn mét là điều có vẻ là bất khả thi đối với kỹ thuật đường ống. Con đường này người Mỹ dường như cũng biết rằng có và cũng đã đánh phá được một số điểm.
Con đường thứ ba là con đường trên biển, Trong suốt 7 năm đầu hoạt động các đoàn tàu không số đã đưa được hàng chục ngàn tấn vũ khí vào Nam rồi mà đối phương vẫn chua bắt được vụ nào cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 23/10/1961, “Đoàn tàu không số” mang biệt danh 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành con đường huyền thoại, nơi hội tụ sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù; là nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lòng quả cảm, trí thông minh và quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam anh hùng. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” cho ta thấy nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đó là vận chuyển những “hàng đặc biệt” có tầm quan trọng sống còn đối với công cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Đó là những loại hóa chất đặc biệt để chế tạo vũ khí, thuốc nổ, ngòi nổ, ngòi cháy, sản xuất các loại đạn, những cán bộ trọng yếu, các chuyên gia đặc biệt phụ trách những lĩnh vực quan trọng ở miền Nam.
Con đường thứ tư là con đường hàng không, đây là con đường từ Phnôm Pênh bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam tới Hồng Kông hoặc Quảng Châu rồi về Hà Nội con đường này đã vận chuyển hàng ngàn lượt sĩ quan quân đội của miền Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, cũng như vận chuyển tiền bạc, máy móc, thuốc men…
Con đường thứ năm là con đường chuyển ngân còn bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có dấu chân người. Nó đi theo hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho những lực lượng Giải phóng... Con đường đó suốt hai mươi năm chiến tranh chỉ “ai làm thì biết”, Mỹ không biết, chính quyền Sài Gòn không biết, nên không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện…
Để hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như sự góp phần của 5 đường mòn Hồ Chí Minh vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc thu non sông về một mối, thân mời quý bạn đọc hãy tìm đọc tác phẩm “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của tác giả Đăng Phong, sách hiện đang có tại phòng đọc, phòng mượn thư viện tỉnh Bình Dương với ký hiệu VV.015042.
Minh Hoàng - Thư viện tỉnh