1. Đồng chí Hoàng Văn Thụ: Những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ / Vương Văn Hòa...[và những người khác]; Lam Hồng sưu tầm, tuyển chọn. - Hà Nội : Thanh niên, 2012. - 123 tr ; 21 cm. - (Tấm gương tuổi trẻ Việt Nam)
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối của cách mạng Việt Nam, là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt tình của mình, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng tới thắng lợi của đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo Giải phóng, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí xây dựng đã giúp Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.
Không chỉ là một tấm gương kiên trung, bất khuất của một người cộng sản, hiên ngang trước kẻ thù, mà đồng chí còn là nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hòa đồng với nhân dân.
2. Chị Sáu ở Côn Đảo / Lê Quang Vịnh. - Tái bản lần thứ 3 có sửa chữa bổ sung. - Hà Nội : Kim Đồng, 2016. - 44 tr : hình vẽ ; 19 cm.
Nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu có lẽ đã rất quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Mới 15 tuổi, chị đã hăng hái tích cực tham gia cách mạng phục vụ công cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Với tinh thần quả cảm, lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc khôn nguôi, chị đã hy sinh mạng sống của mình chứ nhất quyết không khai báo thông tin cho kẻ địch. Hình ảnh của chị mãi mãi là tấm gương sáng để đời sau học tập và noi theo. Cuốn sách của tác giả Lê Quang Vịnh sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về những tháng ngày chịu tra tấn tù đày và một lần nữa khắc ghi công ơn người con gái ấy...
Mùa hoa Lêkima nở ở quê ta miền đất đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa hoa Lêkima nở đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau …
3. Sống như anh / Phan Thị Quyên kể; Trần Đình Vân ghi. - Hà Nội : Văn học, 2013. - 270 tr ; 21cm.
9h45' ngày 15/10/1964, từ trường bắn Chí Hòa, người thanh niên Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử dân tộc, sau những tiếng hô vang vọng hồn thiêng sông núi: “Hãy nhớ lấy lời tôi!”. Sự hy sinh anh dũng của anh đã trở thành niềm tự hào và kính trọng của mỗi người dân Việt Nam, như nhà thơ Tố Hữu đã thay lời diễn tả: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/Có con người như chân lý sinh ra”. 50 năm tròn kể từ ngày Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ra đi, tấm gương hy sinh cao cả của anh vẫn luôn được nhắc nhở.
Hình tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng trong văn học nghệ thuật của nhiều tác giả. Tên anh cũng được đặt cho nhiều địa danh, trường học trên khắp Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất viết về anh Trỗi, chính là tập hồi kí "Sống như Anh" của nhà văn Trần Đình Vân (tức nhà báo Thái Duy, nguyên phóng viên Báo Đại đoàn kết). Khi cuốn sách được xuất bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời mở đầu cho tác phẩm: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập". Đây không chỉ là cuốn sách được tái bản nhiều lần, mà còn là một trong ba cuốn sách được bạn đọc bình chọn có nội dung hay nhất trong năm 2002.
4. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng hành trình 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ: Phóng sự tâm linh / Hoàng Anh Sướng. - Hà Nội : Hội Nhà văn, 2016. - 375 tr ; 21 cm
Phan Thị Bích Hằng là một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Việt Nam. Bà được biết đến bởi trong suốt 25 năm đã dùng khả năng ngoại cảm để giúp tìm kiếm hàng ngàn bộ hài cốt của những người bị thất lạc mà chủ yếu là liệt sĩ.
Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về hành trình gian nan tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của nhà ngoại cảm này, năm 2016, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã xuất bản tập phóng sự “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hành trình 25 năm tìm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ”.
Tập phóng sự tập hợp những thiên phóng sự đặc sắc, từng in dài kỳ trên Báo Tuổi trẻ & Đời sống, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, viết về chuyện đời, chuyện nghề của một nhà ngoại cảm nổi tiếng hàng đầu đã 25 năm gắn bó với tâm linh, viết về quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt của các lãnh tụ cách mạng, các danh nhân văn hóa, các anh hùng liệt sĩ… bị thất lạc nhiều năm như hài cốt Nguyễn Phong Sắc, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Đức Cảnh, nhà văn Nam Cao… với những tình tiết vô cùng xúc động, hấp dẫn, ly kỳ, huyền hoặc. Con số đó hiện nay đã lên đến hàng ngàn hài cốt, được các tổ chức nhà nước, gia đình có mộ thất lạc xác nhận và hầu hết đều có xét nghiệm ADN.
Việc kết nối với những linh hồn liệt sĩ để trả lại tên cho các anh, đưa các anh trở về với gia đình, với cố hương là nghĩa cử cao đẹp mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vẫn đang miệt mài thực hiện như một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả. Với bề dày 20 năm nghiên cứu về tâm linh, về thiền, về đạo Phật, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã có những cách nhìn, cách kiến giải sâu sắc, đầy thuyết phục về hiện tượng “bùng nổ” các nhà ngoại cảm, về nhu cầu bức xúc thời hậu chiến: đi tìm hài cốt liệt sĩ, về “cơn sốt” lễ bái cầu cúng đền chùa hiện nay và cả chữ “Đạo” mà người đời đang hiểu sai lệch, về những bí mật của thế giới tâm linh đầy huyền bí... Vì thế, cuốn sách này có một tầm vóc lớn hơn so với những tác phẩm trước đó.
5. Trả lại tên cho liệt sĩ khuyết danh : Tập kí / Đinh Trần...biên soạn. - Hà Nội : Hội Nhà văn, 2008. - 144 tr : ảnh ; 21 cm
Từ lâu người Việt Nam ta đã có câu: "Sống vì mồ vì mả, không phải vì cả nồi cơm". Điều này cho thấy, theo phong tục truyền thống của cha ông, người Việt Nam coi trọng mồ mả đến mức như thế nào. Đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài, biết bao nhiêu chiến sỹ đã anh dũng hy sinh mà vẫn chưa tìm thấy. Mong muốn tìm được mộ người thân là khát khao cháy bỏng của biết bao gia đình ở trong hoàn cảnh ấy.
Vấn đề tìm mộ người thân bị thất lạc nhất là mộ các Liệt sỹ đang là một nhu cầu rất lớn của xã hội. Tìm mộ bằng tâm linh thông qua phương pháp của các nhà ngoại cảm đang dần dần được xã hội tin cậy và áp dụng có hiệu quả mặc dù nhiều hiện tượng khoa học vẫn chưa giải thích được. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về tâm linh mà các nhà ngoại cảm đích thực đã hướng dẫn cho rất nhiều gia đình đã tìm được mộ của cha, chú, anh em mình trong thời gian qua. Với nhà ngoại cảm Nguyễn Ngoc Hoài, là một trong những người chuyên tâm, chị đã đóng góp phần không nhỏ quyết định việc tìm kiếm mộ Liệt sỹ cho bao gia đình bằng phương pháp ngoại cảm.
Cuốn sách không bàn và lý giải về lĩnh vực tâm linh mà chỉ giới thiệu những chuyện về tâm linh có thật gắn liền với mọi hoạt động của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài. Qua từng câu chuyện đi tìm mộ Liệt sỹ trong cuốn sách: "Trả lại tên cho Liệt sỹ khuyết danh" bạn đọc có dịp tìm hiểu thêm về công việc của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài với nhiều câu chuyện ly kỳ bí hiểm trong việc đi tìm mộ. Bây giờ vẫn chưa có ai lý giải được mà phải nhờ các nhà khoa học. Những điều cốt lõi sâu xa chắn chắn nằm trong dòng chảy cua con người, tình người mà cuộc đời đã tôn tạo vào bồi đắp.
6. Nhật ký Đặng Thùy Trâm / Đặng Thùy Trâm; Đặng Kim Trâm chỉnh lí; Vương Trí Nhàn giới thiệu. - Hà Nội: Hội Nhà văn, 2007. - 322 tr : hình ảnh ; 21 cm
Đại văn hào Nga M.Gorki đã viết: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ - anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?". Đúng vậy, phụ nữ là nửa thế giới. Bất kỳ trong hoàn cảnh, công việc, nơi đâu ta cũng đều thấy bóng dáng của người phụ nữ.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có một người con gái tên là Đặng Thuỳ Trâm - tác giả của những trang nhật ký "có lửa" gây xúc động lòng người, tái hiện cuộc chiến tranh khốc liệt của nhân dân ta chống xâm lược cũng như ghi lại những diễn biến xúc cảm của người con gái Hà Nội cương nghị, thủy chung, trong sáng thánh thiện trong suốt chặng đường chiến đấu và làm việc với vai trò là nữ bác sĩ ở chiến trường.
Cuốn sách "Đặng Thuỳ Trâm" thu hút người đọc ngay từ những trang đầu qua lời giới thiệu và câu chuyện về những tấm lòng đã kể lại số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký. Trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ ấy cuốn nhật ký đã vô tình rơi vào tay một người lính Mỹ để rồi đúng vào dịp kỉ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/2005, nó đã trở về với gia đình liệt sĩ.
Tốt nghiệp trường Đại học Y Khoa Hà Nội năm 1966, Đặng Thuỳ Trâm xung phong đi vào tận chiến tuyến Đức Phổ, Quảng Ngãi khi tuổi đời còn rất trẻ. Ở đó, chị làm công việc đặc trưng của một người phụ nữ trong chiến tranh là phụ trách một bệnh viện huyện. Chị đi với niềm tin chiến thắng, đó là niềm tin thánh thiện của những người lính, những người tham gia chiến tranh không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, niềm vinh dự mà họ cảm nhận phải dành bằng được cho mình.
Những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết làm toát lên toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của người con gái căng tràn nhiệt huyết tuổi hai mươi, lý tưởng sống của chị tất cả vì nền độc lập tự do của dân tộc. Khát vọng của Đặng Thuỳ Trâm cũng là khát vọng của hàng triệu triệu con người Việt Nam. Mong ước có một ngày đất nước khỏi phải quằn quại dưới bom đạn quân thù, một ngày hoà bình lập lại trên quê hương vì vậy chị hết lòng tận tụy với công việc, chăm lo cho bệnh nhân đến từng chi tiết nhỏ, lo lắng cho các thương binh bị đói và rét. Mỗi lần có ca tử vong, lòng chị lại đau quặn thắt, bất lực. Đặng Thuỳ Trâm ghi lại trong trang nhật ký của mình: "Ngày 8/4/1968 mổ một ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thuốc, thuốc giảm đau chỉ có vài ống nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng, anh còn cười động viên mình - nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng..."
"Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" đã trở thành cuốn sách nổi tiếng không chỉ được độc giả Việt Nam đón nhận như một biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh, tình yêu tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam mà ảnh hưởng của nó đã vượt qua biên giới với sự cảm hoá mạnh mẽ vì những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu tổ quốc. Chị vào chiến trường miền nam phục vụ với phương châm của lớp thanh niên thời đó "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".
7. Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ / Hoàng Liêm. - Hà Nội : Thanh niên, 2009. - 231 tr. ; 19 cm
Cuốn sách “Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” của tác giả Hoàng Liêm do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành đã khiến độc giả xúc động bởi câu chuyện có thật về một gia đình có 4 người con là liệt sỹ.
Tác giả là một người trở về từ cuộc chiến, luôn trăn trở về những người đồng đội đã mất. Ông đã viết về một trong những người đồng đội của mình: “Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu?” và bài được đăng trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều bất ngờ đã xảy ra, một người cháu của liệt sỹ đọc được bài báo và thông tin lại cho gia đình, đem đến cho gia đình niềm tin, hy vọng tìm thấy mộ của liệt sỹ Bùi Khắc Tường sau bao nhiêu năm không có thông tin.
Câu chuyện đã phác họa bức tranh về gia đình ông giáo Bùi Khắc Tráng và vợ là bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Lam, thôn Hồ Nam, xã Tân Dân, Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ông bà sinh được 10 người con, trong đó có 3 người con trai và một người con dâu là liệt sỹ. Đó là người con trưởng Bùi Khắc Khới là chiến binh của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, anh đã hy sinh tuổi trẻ và tình yêu sôi nổi của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt - Lào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, con trai ông bà là Bùi Khắc Kiêm và vợ là Lê Thị Vượng cũng đã anh dũng hy sinh. Và liệt sỹ cuối cùng là anh Bùi Khắc Tường, anh nhập ngũ khi gia đình đã có ba liệt sỹ.
Tác giả còn dành những trang viết đầy xúc động về người Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Lam, mẹ chỉ 2 lần được tiễn con ra trận mà đã phải tới 4 lần nhận giấy báo tử những đứa con thân yêu. Đau lắm! Còn nỗi đau nào... đau hơn thế? Để rồi, tác giả kết lại: “Câu chuyện ấy - như một huyền thoại thời nay - một huyền thoại đẫm nước mắt và khổ đau, hạnh phúc và tình yêu; một huyền thoại bi hùng của một gia đình, của bao gia đình và của cả dân tộc Việt Nam trong chiến tranh - sau chiến tranh”. Các anh là những liệt sỹ mãi mãi tuổi hai mươi.
8. 100+ gương mặt anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam / Nguyễn Thái Anh chủ biên; Hà Tiến Thăng biên soạn. - Hà Nội : Thanh niên, 2014. - 391 tr : ảnh chân dung ; 19 cm. - (Những người con ưu tú nước Việt)
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cha ông ta đã phải hy sinh biết bao xương máu để giành độc lập cho dân tộc.
Để tôn vinh những con người ưu tú, gan dạ, quả cảm đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, xương máu, tính mạng của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà. Quyển sách 100+ gương mặt anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, sẽ giới thiệu đến bạn đọc hơn 100 gương mặt anh hùng xuất sắc trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua hai thời kỳ kháng chiến. Sách sẽ giúp bạn đọc thấy rõ những hành động anh hùng quả cảm, những chiến thắng vang dội của các anh trong chiến đấu, cũng như những nét đẹp đời thường của các anh trong cuộc sống. Từ đó nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
9. Những tấm gương anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam / Nguyễn Minh Thơ...[và những người khác] biên soạn. - Hà Nội : Thanh Niên, 2015. - 475 tr ; 21 cm
Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, Chiến tranh biên giới… tất cả đã rời xa, rất xa nhưng những tấm gương anh hùng lẫm liệt của các anh, các chị của các tập thể thanh niên xung phong sẽ mãi còn khắc tạc trong ký ức của bao thế hệ trẻ, sẽ mãi mãi còn bất tử trong truyền thống đánh giặc ngoại xâm gian lao mà anh dũng của dân tộc.
Cuốn sách Những tấm gương anh hùng của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam khắc họa về những năm tháng hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. Họ kiên cường đối mặt với muôn vàn thử thách cam go, khốc liệt, gian khổ. Họ đã âm thầm cống hiến và sáng tạo. Họ đã đổ bao mồ hôi, công sức, trí tuệ, xương máu để mở những tuyến đường, thông những cung đường, những trọng điểm và lặng lẽ nhận về phần mình những thiệt thòi, những mất mát không gì bù đắp nổi, nhưng trong suy nghĩ của chúng ta hôm họ đã trở thành bất tử.
10. 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc : Truyện ký / Nghiêm Văn Tân. - In lần thứ 5. - Hà Nội : Phụ nữ, 2009. - 307 tr; 19 cm
Cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký, gồm hai phần: Phần 1 - Đài hoa tím; Phần 2 - Vĩ thanh
Ở phần đầu, tác giả đã kể lại từng chi tiết ông gom góp được trong suốt quá trình tìm về lịch sử cuộc ném bom ác liệt năm 1986 ở ngã ba Đồng Lộc. Một câu chuyện có thật về Mười cô gái ở tiểu đội 4-đại đội 552-tổng đội 55. Dưới ngòi bút chân thực, giản dị như chính con người tác giả, hình ảnh mười cô gái hiện lên, mỗi người một vẻ; Võ Thị Tần - Tiểu Đội Trưởng; Hồ Thị Cúc - Tiểu Đội Phó; Võ Thị Hợi; Nguyễn Thị Xuân; Dương Thị Xuân; Trần Thị Rạng; Hà Thị Xanh; Nguyễn Thị Nhỏ; Võ Thị Hạ; Trần Thị Hường. Các chị mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều chung một lí tưởng, chung một ý chí, đó là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành lấy nền độc lập, tự do cho dân tộc. Vì thế toàn tiểu đội đã dành cho nhau tất cả tình cảm của mình. Võ Thị Tần như người chị cả, chững chạc và quyết đoán. Hồ Thị Cúc như người chị thứ hai, điềm tĩnh, thương yêu các em. Hai cô là chỗ dựa tinh thần cho tất cả chị em trong tiểu đội. Họ có thể thì thầm tâm sự mọi chuyện kín đáo của mình, của gia đình mình với hai ''bà chị'', nhờ các chị tháo gỡ những vướng mắc, có cả những vướng mắc trong tình yêu. Trước đạn bom và chết chóc, tất cả gắn bó lại,tạo thành một khối đoàn kết vững chắc không kẻ thù nào phá nổi. Một bữa cơm, một món quà, một nhành hoa ở ngã ba Đồng Lộc là những dấu ấn tình cảm giữa người và người trong sự khốc liệt của chiến tranh. Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1986, ngã ba Đồng Lộc đã trở thành mạch máu giao thông quan trọng nối liền miền Bắc và miền Nam. Đế quốc Mĩ biết được điều đó nên đã tìm đủ mọi cách cắt đứt con đường liên lạc này. Thế nhưng những cô gái Thanh Niên Xung Phong vẫn dũng cảm xả thân,quên mình,họ luôn chiến đáu với khẩu hiệu "Máu có thể hết, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt". Dù có phải hứng chịu bao trận bom đi nữa,họ vẫn miệt mài làm việc, không quản ngày đêm. Vào 16h30' ngày 24/07/1986, khi mười cô gái đang hăng say, vui vẻ lấp đường cho xe ra chiến trường tiếp viện, bỗng một quả bom rơi xuống trước mặt họ. Cả trận địa lặng đi, đồng đội òa khóc nức nở... Họ không thể tiếp tục san lấp mặt đường nơi trái bom vừa trút xuống chính họ. Họ không kịp về ăn bữa cơm chiều. Họ đã hi sinh, thân xác họ đã vùi sâu trong đất, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của các cô gái vẫn sống mãi trong tâm trí những con người Việt Nam.
11. Những người con sắt đá, kiên trung của Miền Nam anh hùng / Ba Minh... [và những người khác]. - Hà Nội : Quân đội Nhân dân, 2015. - 207 tr ; 21 cm.
Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Trong chiến thắng lịch sử ấy, được "tiếp lửa" của miền Bắc - "Hậu phương lớn", dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân miền Nam đã làm thất bại, phá sản hết kế hoạch này đến kế hoạch khác của đế quốc Mỹ và tay sai, đã đánh mạnh và thắng to trên khắp các mặt trận. Mỗi thắng lợi trên mỗi vùng đất, mỗi cánh đồng, con đường, dòng sông và trên những con kênh... của miền Nam anh hùng đã thấm đẫm máu xương, nước mắt, mồ hôi của lớp lớp những tấm gương anh dũng, kiên cường, bất khuất đã chiến đấu và hy sinh. Trong những con người ấy luôn cháy sáng "ngọn lửa" cách mạng, khao khát tự do, niềm tin tuyệt đối "nhân dân ta nhất định thắng, đế quốc Mỹ nhất định thua!" và họ đã hiến dâng cuộc đời mình để góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong mỗi tập sách là những câu chuyện thật trong những năm kháng chiến về những người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của "miền đất anh hùng" - miền Nam anh hùng. Chất chứa trong đó những cung bậc cảm xúc, xúc động khác nhau, những con người bình dị mà ngời sáng lý tưởng cách mạng.
12. Khúc tráng ca thành cổ : Ký sự chân dung / Đình Phan. - Hà Nội : Thanh niên, 2017. - 274 tr ; 21 cm
Không chịu nổi thất bại vì mất Quảng Trị, mất một hệ thống phòng thủ vào bậc nhất mà đối phương thường cho rằng là "bất khả chiến bại" và áp lực trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri, đối phương tập trung cao độ binh lực, hỏa lực hòng "tái chiếm" những vùng đã mất, mục đích đầu tiên là trở lại sông Thạch Hãn với Thị xã Quảng Trị, mà hình ảnh tiêu biểu là Thành cổ. Cuộc chiến nảy lửa giành giật nhau từng tấc đất đã xảy ra trong suốt thời gian sau đó, kéo dài cho đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết vào đầu năm 1973. Những ngày đặc biệt ác liệt diễn ra từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972. Đây là một trong số những trận đánh được coi là khốc liệt nhất trong cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, nó diễn ra trên khắp chiều ngang vốn rất chật hẹp của tỉnh Quảng Trị - cả ở phía Đông và Nam sông Thạch Hãn: từ cánh Đông - duyên hải đến cánh Tây - rừng núi, tập trung cao độ ở khu vực tuyến giữa, chủ yếu là Thị xã Quảng Trị.
Trong vùng hạn hẹp, mỗi chiều chỉ từ một đến hai kilômét, địa hình tương đối bằng phẳng đã phải chịu hỏa lực tối đa của không quân và hải quân Mỹ, với kỹ thuật hiện đại nhất thời đó. Được sự tiếp sức, chia lửa của quân dân cả nước, các chiến sĩ của nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật thuộc nhiều binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã chiến đấu dưới sức ép của hàng chục vạn tấn bom đạn, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề; bằng tính kỷ luật tuyệt vời, lòng dũng cảm, ý chí ngoan cường và hy sinh vô bờ bến, các chiến sĩ của ta anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa trong thế ba bề bị cô lập trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, hào hùng, ác liệt và mãi mãi bất tử, ghi sâu vào tâm thức của mỗi con người con nước Việt Nam.
Sách hiện đang có tại Thư viện tỉnh Bình Dương, mời quý độc giả đến tìm đọc!
(Địa chỉ: Số 622 Đại lộ Bình Dương, Phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).