Liên kết website :











[ Đăng ngày: 08/10/2023 ]
Tự giác và tự lập: Học quản lý bản thân tốt, khả năng thành công cao / Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí Tiểu Hòa biên soạn; Hải Yến dịch. - Hà Nội : Kim Đồng, 2021. - 158 tr : hình vẽ ; 24 cm. - (Kĩ năng xã hội cho học sinh tiểu học)
Khi các em vào tiểu học, là lúc không thể dựa dẫm vào bố mẹ hay các cô mầm non được nữa, người lớn không bên cạnh các em mọi lúc khi các em cần, và cũng đồng nghĩa các em có thể tự mình làm rất nhiều việc. Tuy nhiên, ý thức hãy còn non nớt, chưa biết cách quản lý bản thân, chưa thực sự tự giác, quen có người làm hộ, cả thèm chóng chán, dễ bỏ nữa chừng, dễ bắt chước những thói hư tật xấu…Cha mẹ sẽ thấy con mình vốn ngoan ngoãn là vậy bỗng trở nên ương bướng, không nghe lời, bừa bộn, lề mề, ham chơi điện tử, không nghe lời…
Thực ra, đây là một giai đoạn trưởng thành bình thường mà bất cứ em nào cũng sẽ trải qua. Nếu không uốn nắn những hành vi chưa tốt ngay từ đầu thì sẽ định hình thành thói quen xấu. Nhưng uốn nắn thế nào cho đúng và đủ tế nhị để các em không chống đối, nổi loạn, gây tác động xấu đến việc học và sinh hoạt, mà tự giác, có ý thức, cũng như chủ động tự thay đổi? Điều đó phụ thuộc vào gia đình, thầy cô và chủ yếu từ chính bản thân các em nữa đấy!
Việc nắm được những kĩ năng tự giác và tự lập là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các em. Những phương pháp và bài tập rèn luyện kĩ năng tự lập trong cuốn sách Tự giác và tự lập: Học quản lý bản thân tốt, khả năng thành công cao do Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí Tiểu Hòa biên soạn; Hải Yến dịch, được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2021 là một cuốn cẩm nang hữu ích, một trong sáu quyển thuộc bộ sách Kĩ năng xã hội cho học sinh tiểu học. Sách được thiết kế phù hợp với cuộc sống sinh hoạt, học tập hàng ngày của các em dưới dạng vẽ tranh tình huống, dễ dàng tiếp thu cũng như áp dụng trong gia đình và học đường. Từ đó dũng cảm đối mặt với những hành vi chưa tốt của mình, tự giác rèn luyện, hình thành thói quen học tập và sinh hoạt tốt hơn. 
Sách được chia thành 4 chương, với 38 tình huống và bài tập được xem như một khóa đào tạo kĩ năng bài bản, có hệ thống. Qua đó, cung cấp cho phụ huynh, thầy cô giáo, các em học sinh tiểu học một số phương pháp, bài tập thực hành giúp rèn luyện cách ứng xử và giải quyết vấn đề, từng bước hình thành kĩ năng tự lực.
Chương 1: Tự nhận thức bản thân (tr. 001-027)
Tập trung vào những vấn đề kĩ năng tự nhận biết bản thân. Qua 6 câu chuyện tình huống: Chây lười không quá đáng ngại, Tạm biệt tính khí thất thường, Đúng và sai, Thích và không thích, Chúng ta có thể tự quản lý tốt bản thân, Tớ là trợ lí của chính tớ. Các em sẽ nhận ra ai cũng có những hành vi và thói quen chưa tốt, nhưng đều có thể thay đổi được. Quan trọng là cách các em khắc phục và sửa đổi như thế nào thôi.
Chương 2: Tự giác có kỷ luật (tr. 042-097)
19 tình huống được phân tích tâm lý cụ thể dễ hiểu, đưa ra kĩ năng cần luyện tập, lời khuyên và những trở ngại tâm lí có thể xuất hiện, hình ảnh minh họa sinh động tập trung vào những vấn đề phổ biến ở trẻ em như: ỷ lại và thiếu tính tự giác trong cuộc sống hàng ngày, mất tập trung khi ăn, không tuân thủ quy tắc, chưa có ý thức tiết kiệm và giữ gìn đồ vật, ức hiếp bạn bè, cười nhạo người yếu thế, cẩu thả…Ở lứa tuổi tiểu học, các em đã quen với việc thích làm gì thì làm, không phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình nên thường hành động theo cảm xúc. Việc biết suy nghĩ, lường trước hậu quả sẽ giúp các em trau dồi năng lực tự lập, tự giác và sống có kỉ luật.
Chương 3: Tự lực (tr. 110-128)
Từ bỏ thói khóc lóc mè nheo, tránh hấp tấp nóng vội, rèn tính kiên nhẫn, tăng khả năng tập trung chú ý…Phần này chủ yếu thảo luận những vấn đề thường gặp của trẻ về tính kiên trì và tự lập, học cách giải quyết những vấn đề này có lợi cho việc hình thành thói quen sống tốt của trẻ, từ đó nâng cao tính kiên trì và khả năng chủ động, tự giác, tự lập trong học tập và trong cuộc sống.
Chương 4: Tự rèn luyện, trau dồi năng lực cá nhân (tr. 140-156)
Các em nên nhớ, dù là người thân quen cũng có những quy chuẩn xã hội, những hành vi ứng xử không được phép làm. Chỉ khi có ý thức về giới hạn hành vi của bản thân, chúng ta mới kiểm soát bản thân được tốt hơn. Các tình huống chương này nhấn mạnh việc trau dồi nhận thức của các em về ý thứ tự lập và tự giác bền vững, như: Một số điều không được làm (ý thức về giới hạn của hành vi); Tuân thủ các quy định chung của tập thể (ý thức kỷ luật); Cần có khái niệm về thời gian (ý thức về thời gian); Học cách kiểm soát bản thân (ý thức tự chủ); Mọi người đều có trách nhiệm (ý thức về tinh thần trách nhiệm).
Quyển sách Tự giác và tự lập giúp các em “quản lý bản thân tốt, khả năng thành công cao” nhé! Mời các em tìm đọc trọn bộ “Kĩ năng xã hội cho học sinh tiểu học” gồm:
Tập 1: Giao tiếp hiệu quả 
Tập 2: Học cách tự tin 
Tập 3: Kiểm soát cảm xúc 
Tập 4: Tự giác và tự lập 
Tập 5: Tư duy tích cực 
Tập 6: Hài hước và lạc quan
Sách hiện có tại Phòng Thiếu nhi, Thư viện tỉnh Bình Dương, trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!

 Minh Quý
CÁC TIN KHÁC