Với mục đích tôn vinh, động viên đội ngũ nhạc sĩ, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật “Tình khúc miền Đông”. Hơn 60 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 4 tỉnh, thành đã cùng nhau hòa nhịp, truyền cảm hứng cho nhau, góp thêm những tác phẩm có giá trị cho nền âm nhạc nước nhà.
|
Các nhạc sĩ chụp ảnh với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (khu vực phía Nam)
|
Trong không khí đầy vui tươi, phấn khởi của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (2-9), chương trình “Tình khúc miền Đông” khơi gợi những dòng cảm xúc đầy tự hào về một miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Đến với Bình Dương vào Ngày Âm nhạc Việt Nam, hơn 60 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 4 tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đã có những phút giây ý nghĩa. Trải qua những năm tháng chiến đấu, cùng sáng tác, chống chọi với dịch bệnh…, mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại những thăng trầm của ngành âm nhạc Việt Nam; để rồi tự hào, động viên nhau sáng tạo nhiều tác phẩm hay, tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh.
Mở màn với ca khúc “Hát mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chương trình đã làm nức lòng hơn 60 nhạc sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình. Với tinh thần cùng nhau hòa nhịp, hát lên những bài tình ca về quê hương, đất nước, cũng như đất và người miền Đông trong quá trình xây dựng, phát triển chương trình đã tiếp nối bằng ca khúc “Vành xe quay” của nhạc sĩ Vũ Hoàng (Chi hội Sáng tác 6 Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh). Vành xe ấy đã đưa khán giả “Tạm biệt chốn đô thành… về với quê hương/ Ôi tình thương dạt dào/ Đôi én nhỏ vươn mây/ Đây quê hương ta đó/ Vững vàng bản hùng ca/ Như tình cha lòng mẹ…”. Để rồi cùng mơ với “Giấc mơ quê” đầy yêu thương vỗ về của nhạc sĩ Duy Long (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cùng cảm nhận vị mặn “Muối của biển” của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận (Bình Dương) phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đăng Tấn…
Khép lại chương trình bằng ca khúc “Bến yêu thương” của nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến và những giai điệu tươi vui trong ca khúc “Xuân về trên thành phố mới Bình Dương” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Luân, chương trình đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của âm nhạc Việt Nam trong phát huy các giá trị truyền thống cách mạng. 14 tiết mục đơn ca, song tam ca, hát múa về miền Đông hào hùng cũng đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của giới trẻ trong học tập và rèn luyện, để cống hiến sức mình dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, chương trình “Tình khúc miền Đông” được tổ chức nhằm tôn vinh, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam để qua đó phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, việc tổ chức chương trình cũng nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngày 3-9-2010, Ngày Âm nhạc Việt Nam lần đầu tiên do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó đến nay, Ngày Âm nhạc Việt Nam trải qua 14 mùa hội âm nhạc với các chương trình nghệ thuật, các hoạt động âm nhạc diễn ra trên cả nước. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của âm nhạc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, cũng như trong đời sống tinh thần của công chúng.
THỤC VĂN
Nguồn trích: https://www.baobinhduong.vn