Năm 2024, với những nỗ lực lớn, kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và đạt được mục tiêu đặt ra.
Nỗ lực tăng 9,5%
Năm 2024, xuất khẩu sẽ tiếp tục được coi là một trong các chân kiềng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh nhà. Dù một số chỉ tiêu xuất khẩu năm 2023 “lỡ hẹn” với kế hoạch đã đặt ra, song với những điểm sáng tích cực cùng mức suất siêu đạt khoảng 8,8 tỷ USD cho thấy tiềm lực xuất khẩu là rất lớn. Bước vào năm 2024, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 9,5% so cùng kỳ.
|
Đoàn công tác Bộ Công thương thăm gian hàng DN Bình Dương tại hội nghị XTTM vùng Đông Nam bộ tổ chức trong năm 2023 |
Nhận định về mục tiêu này, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh, cho rằng: “Với ngành gốm sứ tôi nghĩ sẽ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Các doanh nghiệp (DN) gốm sứ sẽ nỗ lực hết mình để chuyển đổi xanh, thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa các thiết kế, tăng cường chất lượng để tăng cạnh tranh cho sản phẩm. Với gốm sứ Phước Dũ Long, chúng tôi tăng cường đầu tư cho chất lượng, mẫu mã và những dòng sản phẩm mới phù hợp với xu thế, thị hiếu khách hàng”.
Nỗ lực “giữ lửa” xuất khẩu của DN ngành gốm sứ được Minh Long thực hiện ngay trong giáp Tết Nguyên đán 2024. Minh Long “đem chuông đi đánh xứ người” khi tham gia triển lãm Ambiente Frankfurt 2024 tại Đức, một hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng tiêu dùng, gia dụng, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất, văn phòng phẩm… Đây cũng là sân chơi cho các nhà đầu tư tìm kiếm đối tác tiềm năng từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt năm nay, Minh Long tiếp tục ra mắt dòng sản phẩm men xanh celadon - dòng men công phu nhất trong nghề gốm sứ - sau 50 năm thử nghiệm. Dòng sản phẩm đặc biệt này nhanh chóng “ghi điểm” với các đối tác quốc tế vì độ hoàn hảo của nước men, gần như không để lại các vết trầy xước dù thường xuyên cọ sát với dao, nĩa bằng kim loại.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (TP.Thuận An), cho rằng tín hiệu tích cực với xuất khẩu gỗ năm 2023 là quý IV đã tăng nhiều hơn. Do đó, trong năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023. Tuy vậy, quá trình xuất khẩu của DN hiện còn nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu đang chững lại và có nhiều dấu hiệu bất ổn do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn. Thêm vào đó, việc xuất khẩu ngày càng khó hơn do quy chuẩn sản xuất hàng hóa của các nước ngày càng khắt khe, đòi hỏi DN phải thích ứng.
Chuyển đổi số, xuất khẩu xanh
Tuy xuất khẩu năm nay có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng, song các chuyên gia cho biết mức độ phục hồi phụ thuộc vào việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường. Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) đầu tiên của năm 2024 với chủ đề “Đẩy mạnh công tác XTTM phát triển thị trường năm 2024” mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương) nhìn nhận năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khóđoán định. Ông Vũ Bá Phú cho rằng bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. DN xuất khẩu muốn tồn tại phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động XTTM là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ DN thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.
Trao đổi với chúng tôi về việc DN Bình Dương cần làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú cho biết tiềm năng sẵn có của DN Bình Dương là sự năng động, sáng tạo, các nguồn lực nền tảng của một tỉnh công nghiệp. Với xu hướng thị trường hiện nay, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu cần khắc phục những hạn chế như thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để bảo đảm yêu cầu, xây dựng thương hiệu… Mặt khác, DN cũng cần huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu.
Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm trong năm 2024 sẽ có nhiều triển lãm thương mại quốc tế về các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cùng với đó là hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức; đồng thời, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhà cung cấp địa phương với các DN xuất khẩu và quảng bá các sự kiện XTTM Việt Nam tại nước ngoài.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết năm 2024, hoạt động XTTM sẽ tiếp tục mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu mới, khai thác các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ DN chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh nhằm phát triển bền vững. Ngành công thương tỉnh tập trung xúc tiến, kết nối giao thương giữa DN địa phương và DN nước ngoài, kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, ngành sẽ hỗ trợ DN tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn của nhóm sản phẩm chủ lực.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ: Cơ quan quản lý, các DN, ngành hàng địa phương cần tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình biến động chính trị, chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời; đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc, có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp để hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại thị trường này. Thương vụ sẽ hỗ trợ DN tham gia hội chợ, xúc tiến xuất khẩu tại Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ kết nối các đối tác, xác minh tư cách pháp nhân nhằm tránh các rủi ro trong giao dịch thương mại.
TIỂU MY
Nguồn trích: https://www.baobinhduong.vn