Theo các chuyên gia, giao thông đô thị đang là một trong những lĩnh vực tiên phong ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật để tạo ra một hệ sinh thái giao thông thông minh phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Với xu hướng nêu trên, Bình Dương đang tích cực xây dựng các nền tảng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ sinh thái giao thông thông minh trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.
|
Công nghệ xe tự hành được nhận định là phương tiện di chuyển thông minh
tại các đô thị thông minh trong tương lai. Trong ảnh: Xe tự hành không người lái
được vận hành thử nghiệm lần đầu tiên tại Bình Dương vào tháng 10-2022
|
Giải pháp thông minh
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết hệ thống giao thông thông minh - Intelligent Transportation System (viết tắt ITS) là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, hệ thống này cũng giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi lưu thông.
Hệ thống giao thông thông minh sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, cơ sở hạ tầng và phương tiện. Hệ thống ITS là giải pháp hữu ích để cải thiện hiệu quả và độ an toàn trong một số tình huống như trong vận tải đường bộ, quản lý giao thông, tính di động với mục đích tăng khả năng lưu thông những đô thị đông dân cư, giảm thời gian hành trình. “Để đạt được mục tiêu tự động hóa trong giao thông vận tải, ITS cần trải qua 3 giai đoạn gồm thu thập thông tin, xử lý thông tin và đưa thông tin đã xử lý đến người và phương tiện. Cả 3 giai đoạn này đều được thực hiện tự động thông qua các ứng dụng công nghệ và viễn thông”, ông Minh nói.
Giao thông công cộng là một lĩnh vực được chú trọng trong phát triển ITS. Từ nhiều năm qua, hệ thống xe buýt Kaze chất lượng cao của liên doanh Becamex Tokyu Bus ra đời là khởi đầu trong phát triển mạng lưới giao thông thông minh tại Bình Dương. Với hệ thống giám sát, điều hành theo thời gian thực (real time), các tuyến buýt đều thực hiện đúng biểu đồ, thời gian, lộ trình xuất phát cho đến các điểm dừng, điểm đến các tuyến được quy định thời gian chuẩn. Đây được xem là tuyến buýt thông minh, chất lượng cao của tỉnh được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nhờ đó hành khách có nhu cầu đi lại cảm thấy hài lòng hơn.
|
Tuyến xe buýt Becamex Tokyu Bus chất lượng cao, ứng dụng công nghệ để quản lý,
điều hành góp phần bảo đảm sự thoải mái, tiện ích cho hành khách
|
Ưu tiên hạ tầng kỹ thuật
Tháng 10-2022, Công ty TNHH Becamex Tokyu cùng các đơn vị Phenikaa-X, Nippon Koei Vietnam và các sở ngành chức năng ra mắt chuyến xe tự hành đầu tiên tại thành phố mới Bình Dương, tiến hành thử nghiệm chính thức phương tiện xe không người lái trên tuyến đường công cộng. Ông Oh Dong Kun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu, cho biết việc tiến hành thử nghiệm xe tự hành không người lái với cung đường kết nối tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương và khu thương mại Hikari đặc biệt ý nghĩa, đây là lần đầu tiên xe tự hành được thử nghiệm trên đường công cộng ở Việt Nam.
“Dựa vào dữ liệu thu thập được khi vận hành, đội ngũ kỹ thuật sẽ tiến hành phân tích dữ liệu để cải thiện khả năng vận hành của xe, cũng như giúp nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy phát triển đô thị kiểu TOD (Transit-Oriented Development) bằng các giải pháp thông minh. “Xe tự hành kết nối với mạng lưới xe buýt, tôi cho rằng đây chính là ý tưởng phù hợp với khái niệm thành phố thông minh của thành phố mới Bình Dương”, ông Oh Dong Kun nói. Dù vẫn còn nhiều quá trình để hoàn thiện, nhưng những khởi đầu này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong xây dựng ITS.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng Đông Nam bộ. Thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển mới, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững, xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData... để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương một cách nhanh chóng và hiệu quả.
ITS được xem là tiêu chí quan trọng để khởi đầu xây dựng các đô thị xanh, đô thị thông minh và hiện đại. ITS trong nước đã được ứng dụng như camera giám sát xử lý vi phạm giao thông, ứng dụng thu phí tự động tại hệ thống bãi đỗ xe thông minh Car Parking, thu phí không dừng ETC, vé điện tử thay cho phương thức thu phí tiền mặt… Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã dán thẻ ETC cho hơn 131.000 xe. Hiện tổng số phương tiện tỉnh Bình Dương đang quản lý 192.615 xe; tỷ lệ thẻ đã dán trên số lượng phương tiện đạt gần 70%. Tỉnh Bình Dương còn dành nguồn lực đầu tư cho hệ thống camera giám sát kết nối với trung tâm điều hành để nâng cao hiệu quả trong công tác điều tiết giao thông, kịp thời xử lý, giải tỏa các khu vực có nguy cơ ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Cơ sở dữ liệu BigData, Internet vạn vật IoT, các nền tảng ứng dụng khác… hiện đang được tích hợp trong quá trình phát triển các hạ tầng kỹ thuật để ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái giao thông, quản lý và điều tiết giao thông thông minh.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:
Để tăng hiệu quả kinh tế và tính liên kết của các địa phương trong vùng, tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung phạm vi nghiên cứu tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đến ga An Bình (TP.Dĩ An); bổ sung định hướng quy hoạch khu vực ga An Bình trở thành ga trung tâm mang tính lưỡng dụng của cả khu vực phía Nam. Cùng với đó, Bình Dương kiến nghị bổ sung tuyến đường phía tây Quốc lộ 13 - Khu công nghiệp Bàu Bàng đến đường ĐT749A - Khu công nghiệp Rạch Bắp dài khoảng 22,6km, với quy mô đầu tư mặt cắt ngang 48m, 8 làn xe...
MINH DUY
Nguồn trích: baobinhduong.vn