Liên kết website :












[ Đăng ngày: 07/09/2023 ]
Hiện nay, khi văn hóa nghe nhìn đang dần lấn át văn hóa đọc truyền thống, những tiện ích của nó không thiếu, song vẫn có nhiều nội dung ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Chính vì vậy, kênh an toàn cho trẻ vẫn là các loại sách, báo chính thống tại thư viện. Với tư cách là một thiết chế văn hóa, là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, bằng các hoạt động chuyên môn của mình, thư viện thỏa mãn nhu cầu đọc của các em thiếu nhi, góp phần đắc lực vào việc giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, từ đó hình thành trong các em nhân cách, giá trị theo sự phát triển của xã hội.

Những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1699/KH-UBND ngày 11/4/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về đẩy mạnh, đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, Thư viện tỉnh Bình Dương có nhiều cải tiến trong hoạt động, nhằm phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt chú trọng đối tượng bạn đọc là thiếu nhi và xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác phát triển văn hóa đọc, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục, định hướng nhân cách, đời sống tâm hồn cho các em.
 
 
 Phục vụ sách tại Đại hội đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Bình Dương
lần thứ XXIII – Năm 2023

Để tạo điều kiện cho các em tiếp cận với sách, Thư viện chú trọng cải thiện không gian đọc như bố trí phòng đọc sách phục vụ riêng cho bạn đọc thiếu nhi với diện tích khoảng 100 m2,  trang trí tường, bục kệ nhiều màu sắc, hệ thống máy lạnh, thảm trải sàn,... để các em có thể ngồi đọc, nằm đọc với cảm giác thoải mái, thư giãn, đảm bảo vừa chơi, vừa học. Hàng năm, thư viện chú trọng bổ sung nguồn sách mới, trong đó sách thiếu nhi chiếm khoản 15% trong tổng số sách được bổ sung. Theo thống kê, số sách trong kho thiếu nhi đến nay là 118.373 bản với nhiều thể loại như sách phục vụ học tập, sách kỹ năng, sách khoa học thường thức, giáo dục đạo đức, truyện cổ tích, truyện tranh,... Thư viện đã thực hiện bố trí phù hợp kho sách và kệ sách theo hướng mở, giúp các em dễ dàng chọn sách để đọc. Khi đến với thư viện, bạn đọc thiếu nhi còn được các cô thủ thư hướng dẫn cách chọn sách phù hợp với lứa tuổi và cách đọc sách sao cho nhớ lâu và đạt hiệu quả cao nhất.

Công tác cấp thẻ bạn đọc thiếu nhi cũng được cải tiến theo hướng đơn giản, thuận tiện và miễn phí hoàn toàn các loại thẻ đọc, thẻ mượn, thẻ online. Theo đó, thư viện tổ chức cấp thẻ tập thể hoặc thẻ gia đình cho học sinh các trường quanh địa bàn thành phố Thủ Dầu Một. Đối với các em được phụ huynh đưa đến thư viện đăng ký thẻ cần đảm bảo một điều kiện là phụ huynh đã có thẻ tại thư viện và bảo lãnh cho chính con của mình. Đây là một cải tiến của thư viện nhằm khuyến khích thiếu nhi đọc sách. Thay vì trước đây, thủ tục cấp thẻ cho các em phải được nhà trường hoặc ủy ban Nhân dân xã (phường, thị trấn) ký xác nhận, hoặc phải đóng thế chân để đảm bảo nguồn sách cho mượn, thì thủ tục hiện nay đơn giản hơn rất nhiều. 
 
 
Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm ngoại ngữ - Bồi dưỡng văn hóa Nhật - Mỹ
(Thủ Dầu Một) tổ chức lớp học ngoại khóa cho học sinh
 

Tại thư viện, nhiều hoạt động đã được triển khai để phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Trong đó, Ngày hội sách hè được tổ chức định kỳ hàng năm với các nội dung như triển lãm sách, tổ chức giao lưu gia đình giới thiệu sách, tặng quà cho bạn đọc thiếu nhi tích cực; tổ chức các trò chơi có quà tặng: ghép hình theo sách, xem tranh đoán tên sách, rung chuông vàng, giải mật thư, biểu diễn văn nghệ, biểu diễn thời trang tái chế, kể chuyện sách, giao lưu trả lời các câu hỏi kiến thức có liên quan đến sách; tổ chức các trò chơi vận động có thưởng như: Vượt chướng ngại vật, Chuyền bóng vào rổ, Bịt mắt đập heo đất, đi Cà kheo vận chuyển sách,… đã tạo được không khí vui tươi, giải trí lành mạnh cho các em. Đến thư viện trong dịp hè, các em thiếu nhi còn được tham gia sinh hoạt các nhóm năng khiếu miễn phí như nhóm kể chuyện theo sách, nhóm ca múa, nhóm khéo tay với vật dụng tái chế,.. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phối hợp với các trung tâm anh ngữ, trường học tư thục trên địa bàn thực hiện chương trình, tiết học ngoại khóa tại thư viện nhằm thực hiện giáo dục trải nghiệm ngoài nhà trường cho học sinh, kết hợp việc phục vụ sách, báo với việc hướng dẫn cách tiếp cận thư viện, kỹ năng đọc sách, quy trình đăng ký thẻ, việc mượn - trả sách đối với những em lần đầu đến thư viện. 
 
 
 Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm Anh văn – Hội Việt Mỹ
tổ chức Ngày hội sách hè năm 2023

Để khuyến khích thiếu nhi đọc sách, đồng thời thực hiện mỗi em là một tuyên truyền viên tích cực vận động bạn bè, người thân cùng tham gia đọc sách, Thư viện tổ chức nhiều đợt triển lãm sách báo, xuất bản tập tranh thiếu nhi “Nét vẽ tuổi thơ”, tổ chức nhiều cuộc thi có liên quan đến sách như Tuyên truyền – giới thiệu sách, Thiếu nhi kể chuyện theo sách, Đại sứ Văn hóa đọc, Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi,... mỗi năm có hàng ngàn thí sinh tham gia. Các cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu với sách, tinh thần đọc sách trong thiếu nhi và cộng đồng. 
 
 
 Xe thư viện lưu động phục vụ học sinh Trường Tiểu học
Lý Tự Trọng
(thành phố Thuận An)

Công tác phục vụ lưu động tại các trường học cũng được Thư viện tỉnh chú trọng. Mỗi năm, thư viện thực hiện trung bình 50 buổi phục vụ, với nhiều chuyên đề khác nhau và đã được các thầy cô giáo và các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài đối tượng học sinh, thư viện còn quan tâm đến các em khuyết tật, mồ côi trên địa bàn. Các địa chỉ như Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, Cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (Bến Cát), Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (Bến Cát), Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật Thuận An, Hội Người mù tỉnh, Trung tâm dạy nghề Người tàn tật Phú Lợi (Thủ Dầu Một),... đều có dấu chân của anh chị em thư viện. Mỗi một chuyến xe đi đều mang theo ánh sáng tri thức và chở đầy niềm vui đến cho các bé. Với những nỗ lực, cố gắng trong công tác phục vụ bạn đọc, mỗi năm thư viện đã phục vụ gần 320.000 lượt bạn đọc, trong đó, bạn đọc thiếu nhi chiếm hơn 70%. 
 
 
 Phục vụ sách tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An

Thực tế cho thấy, trẻ em hiện nay dành rất nhiều thời gian cho tivi, smartphone, ipad, các thiết bị điện tử thông minh,... điều này gây ra nhiều hệ lụy về sau, ảnh hưởng trầm trọng đến cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Vì thế, nếu ba mẹ hướng cho các con đọc sách sẽ giúp con bận rộn với thế giới trong sách, những hoạt động thú vị trong sách sẽ giúp con rời xa tivi, smartphone. Đối với thư viện, để  khuyến khích thiếu nhi đến đọc sách và tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh, cần có những giải pháp sau: 

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp chuyên môn về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; Kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách mọi nơi dành cho thiếu nhi.

Hai là, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng và tạo môi trường đọc thân thiện, không gian thoải mái, sinh động phù hợp với đặc thù, tâm lý và lứa tuổi. Tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho thiếu nhi đọc và học phù hợp với thời gian học tập, đặc biệt thời gian nghỉ hè; bố trí cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi. 

Ba là, tăng cường đầu tư nguồn tài nguyên thông tin dành cho thiếu nhi, xây dựng chính sách bổ sung, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện, chú trọng bổ sung sách tham khảo, sách văn học và sách hướng dẫn kỹ năng sống. Các loại hình tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và sở thích của thiếu nhi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Bình Dương phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. 

Bốn là, , nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thư viện, linh hoạt, sáng tạo ra các dịch vụ mới; Đẩy mạnh công tác hướng dẫn kỹ năng sử dụng thư viện, kỹ năng và phương pháp chọn sách, đọc sách, báo phục vụ cho việc học tập và giải trí của thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

Năm là, đẩy mạnh tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm bạn đọc theo chủ đề, các buổi giao lưu, sinh hoạt, giới thiệu sách; Duy trì và tăng cường tổ chức các cuộc thi, hội thi kể chuyện theo sách, giới thiếu sách, viết cảm nhận về sách, chọn và biểu dương gương đọc sách, đại sứ văn hóa đọc hàng năm dưới mọi hình thức tổ chức.

Sáu là, tăng cường hoạt động luân chuyển sách, phục vụ xe sách lưu động để đem sách, báo đến các trường học, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng tới đối tượng trẻ em không có điều kiện đến trường, nơi có thiếu nhi đồng bào dân tộc thiểu số, các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, lớp học tình thương và những nơi có điều kiện vật chất còn khó khăn, thiếu thốn. 

Bảy là, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi. Mở rộng sự liên kết, phối hợp với cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội khai thác có hiệu quả các thiết chế cơ sở như: Tủ sách cộng đồng, thư viện trong các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách gia đình, dòng họ để phục vụ thiếu nhi, xây dựng mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”. 

Ngoài ra, thư viện cần chủ động trong việc liên hệ, phối kết hợp với các sở, ban, ngành, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong tỉnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giới thiệu tài liệu thư viện thông qua hoạt động triển lãm, xếp mô hình, xếp sách nghệ thuật, thiết kế các hoạt động phục vụ dành cho các đối tượng thiếu nhi, tổ chức các hoạt động đặc thù phù hợp với khả năng, tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em... nhằm xây dựng, duy trì, phát triển phong trào đọc sách, báo cho trẻ./.

Phan Diễm Thúy (Thư viện tỉnh) 

CÁC TIN KHÁC