Liên kết website :











[ Đăng ngày: 03/04/2024 ]

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2030

TTĐT - Tỉnh Bình Dương thuộc vùng Đông Nam bộ và được xác định là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. ​​

Quan điểm phát triển:

Với vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt, Bình Dương phải trở thành động lực quan trọng, góp phần cùng các địa phương trong vùng xây dựng Đông Nam bộ thành khu vực phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các tỉnh, vùng kinh tế khác.

Phát triển tỉnh Bình Dương trên cơ sở phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Mục tiêu phát triển:

Định hướng đến năm 2030, tỉnh Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, là một trong các đô thị hiện đại, sáng tạo. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác.

 Phát triển công nghiệp thế hệ mới hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0 tạo lập một vành đai công nghiệp. Xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. Đảm bảo tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tổ chức bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phân bổ không gian động lực phát triển:

Hình thành 03 vùng không gian động lực (Vùng động lực 1: Từ đường Vành đai 3 xuống phía Nam; vùng động lực 2: Từ đường Vành đai 3 đến đường Vành đai 4; vùng động lực 3: Từ đường Vành đai 4 lên phía Bắc) và 02 hành lang sinh thái (Hành lang sinh thái phía Đông dọc sông Đồng Nai; hành lang sinh thái phía Tây dọc sông Sài Gòn) để phát triển bứt phá; tích hợp đầy đủ các nguồn lực phát triển (vị trí địa kinh tế và vị thế, tính trội và duy nhất, hệ thống hạ tầng, năng lực cạnh tranh, tiềm năng liên kết, tạo lực hút và kết nối, huy động tối đa nguồn nội lực kết hợp hài hòa với chuyển hóa hiệu quả nguồn ngoại lực...). Phát triển các không gian động lực trọng điểm này theo các cụm ngành ưu tiên dựa trên cấu trúc: Không gian phát triển mở; không gian phát triển hạn chế; không gian bảo tồn; không gian phát triển hạ tầng kỹ thuật và logistics.

Định hướng phát triển kinh tế:

Trên cơ sở kế thừa và phát triển thành quả của mô hình kinh tế hiện hữu, đổi mới sáng tạo, tái định vị và lan tỏa phát triển theo hướng sinh thái, hợp tự nhiên dựa trên thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Chuyển đổi mô hình phát triển sang mô hình kinh tế cân bằng đa chiều giữa công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng giá trị gia tăng cao.

Định hướng phát triển giao thông:

Hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh, gồm: Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh; nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải; nâng cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, nâng tĩnh không các cầu: Bình Triệu 1, Đồng Nai 1 đạt cấp kỹ thuật luồng tuyến.

Đầu tư xây dựng các dự án cửa ngõ kết nối giao thông đường bộ giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố lân cận (TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước), tập trung hoàn thành một số dự án quan trọng như: xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai, đường và cầu nối Bình Dương và Tây Ninh, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13...

Đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh: Đầu tư hoàn thành các dự án trên trục Bắc - Nam (đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, nâng cấp ĐT.741, ĐT.743, ĐT.746, ĐT.747B, các dự án đường ven sông...), các dự án trên trục Đông - Tây (đường Thủ Biên - Đất Cuốc, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng,...); đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ ga Suối Tiên đến Thành phố mới Bình Dương; đầu tư xây dựng các cảng trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (cảng An Tây, cảng Thạnh Phước...).

Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến, bãi, điểm trung chuyển hàng hóa, gắn với lộ trình phát triển công nghiệp và đô thị. Hoàn thành dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng (tuyến BRT) tỉnh Bình Dương, nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. ​​


(Nguồn trích: http://binhduong.gov.vn)


 

CÁC TIN KHÁC