Sách và vai trò của sách đã được khẳng định từ lâu đối với việc lưu trữ thông tin nhằm truyền lại kinh nghiệm, kiến thức của thế hệ trước cho thế hệ sau. Trong cuộc sống hiện đại, việc đọc sách không phải là thói quen của nhiều bạn trẻ vì có nhiều nguyên nhân như sự bộn bề công việc, sự eo hẹp về thời gian và đặc biệt là sự cạnh tranh của văn hóa nghe nhìn thông qua internet, mạng xã hội, công nghệ mới.
|
Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Chiến – Phó trưởng khoa Xã hội và Nhân văn – Đại học Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kỹ năng đọc |
Nói như thế không có nghĩa là các bạn trẻ quay lưng với sách. Vấn đề đặt ra là mỗi bạn trẻ cần được xây dựng và phát triển kỹ năng đọc sách hiệu quả. Theo tôi, quá trình tiếp cận và đọc sách hiệu quả phải trải qua các bước như sau:
Thứ nhất, phải xác định mục đích đọc sách rõ ràng. Nghĩa là, khi bạn trả lời câu hỏi đọc sách để làm gì, hay bạn muốn tìm kiếm điều gì trong sách, sẽ giúp bạn xác định được chủ đề mà bạn muốn tìm hiểu, khám phá. Điều này cũng chính là động cơ để bạn thực hiện hành động đọc sách. Mỗi người có thể có mục đích đọc khác nhau như là giải trí, thu thập thông tin, mở rộng hiểu biết hay nghiên cứu,…Tùy theo mục đích để bạn chọn sách và chọn phương pháp đọc sách.
Thứ hai, phải biết cách chọn sách. Có rất nhiều cách phân loại sách, có thể theo chủ đề, có thể theo nội dung, theo tác giả,…Theo tôi, bạn cần có kiến thức sơ lược về cách phân loại sách. Điều này sẽ giúp bạn tìm kiếm sách nhanh chóng, tránh mất thời gian. Kinh nghiệm của tôi còn là việc chọn sách dựa vào thông tin của tác giả, của nhà xuất bản hoặc năm xuất bản,…Những tác giả uy tín, những nhà xuất bản uy tín thì chất lượng sách cũng sẽ uy tín.
Thứ ba, phải biết chọn phương pháp đọc sách. Theo tôi, có hai phương pháp đọc sách gồm:
Phương pháp thụ động (tiêu cực), là cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.
Phương pháp tích cực (chủ động) là cách đọc đối chiếu, đánh giá với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ đó rút ra những kết luận cần thiết cho người đọc. Đây cũng là quá trình vận dụng trí óc để nghiền ngẫm từng con chữ giúp người đọc đi từ sự hiểu biết ít đến hiểu biết nhiều, góp phần nâng cao trí tuệ của người đọc.
Thứ tư, phải chọn cho mình một không thời gian hợp lý để đọc sách. Không gian đọc sách và thời gian chi phối nhiều đến tâm lý và sức khỏe của người đọc. Đối với từng loại sách, theo tôi sẽ phù hợp với không gian và thời gian riêng. Ví dụ khi bạn đọc một tác phẩm văn chương, cơ bản là để giải trí thì bạn có thể đọc nó trên xe bus, máy bay, nhà ga hoặ trên giường vào buổi tối. Nhưng nếu bạn đọc nó để nghiên cứu thì phải ngồi vào bàn, phải ghi chép và phải trong một bối cảnh yên tĩnh.
Thứ năm, khi đọc sách, bạn có thể chọn cách đọc kiểm soát, đọc phân tích hoặc đọc đồng chủ đề.
Đối với việc đọc kiểm soát, có 02 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1. Đọc lướt có hệ thống: Xem trang đầu tiên, đọc phần giới thiệu (nếu có). Đọc mục lục, đọc các chỉ dẫn (từ khóa), đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản và đọc ngẫu nhiên một vài đoạn hoặc vài trang trong một chương, phần mà bạn ấn tượng, quan tâm.
Giai đoạn 2. Đọc lướt hết nội dung cuốn sách: Đọc tất cả nội dung cuốn sách một lượt, không cần dừng lại suy nghĩ, ngay kể cả những đoạn khó hiểu. Đối với những đoạn khó hiểu, tâm đắc, có thể đánh dấu nó bằng cách nào thuận tiện nhất (gạch chân, ghi hoa thị, gập trang, note ghi chú,…). Sử dụng tốc độ đọc phù hợp.
Đối với việc đọc phân tích, theo tôi cần nằm vững các quy tắc sau:
Quy tắc 1: Nắm được thể loại sách sẽ đọc.
Quy tắc 2: Trình bày, diễn đạt toàn bộ nội dung cuốn sách trong một câu, một đoạn văn ngắn.
Quy tắc 3: Trình bày, diễn đạt nội dung chính của cuốn sách theo logic, thứ tự chỉnh thể thống nhất.
Quy tắc 4: Phát hiện những gợi mở, kết luận, vấn đề từ tác giả.
Quy tắc 5: Tìm các từ khóa quan trọng của vấn đề đang được giải quyết hoặc được đặt ra.
Quy tắc 6: Đánh dấu, ghi lại những câu quan trọng, hay, thú vị, ấn tượng,…
Quy tắc 7: Trả lời câu hỏi vì sao tác giả lại có giải thiết, kết luận như vậy?
Quy tắc 8: Tìm hướng giải quyết của tác giả.
Quy tắc 9: Đưa ra lời phê bình, nhận xét và nêu các minh chứng cho lời phê bình, nhận xét.
Đối với việc đọc đồng chủ đề, theo tôi cần chuẩn bị tạo thư mục các cuốn sách có cùng chủ đề trước, sau đó khảo sát hoặc đọc lướt các cuốn sách đó để chọn ra những cuốn cần đọc. Trong quá trình đọc, bạn nên tìm kiếm các bàn luận trực tiếp của tác giả về chủ đề quan tâm. Ghi chú lại những điểm chung và khác biệt (nếu có). Phân tích, so sánh để chỉ ra lý do vì sao có sự khác biệt.
Cuối cùng, khi bạn đã đọc xong một cuốn sách, bạn cần trả lời 4 câu hỏi sau:
1. Cuốn sách nói về chủ đề gì?
2. Nội dung chi tiết? Nội dung ấy được diễn đạt, trình bày như thế nào?
3. Các quan điểm nêu ra trong cuốn sách đúng hay sai? Vì sao?
4. Ý nghĩa của cuốn sách?
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm tìm kiếm sách và đọc sách của tôi. Còn nếu bạn đã có thói quen đọc sách riêng thì cũng đừng sợ rằng thói quen của mình khác biệt. Điều đó không quan trọng, quan trọng là bạn thực sự đã đọc được hết một cuốn sách theo cách riêng của mình./.
Nguyễn Ngọc Chiến
Khoa Xã hội và Nhân văn
Trường Đại học Bình Dương