Giới thiệu sách: Hãy chăm sóc mẹ
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không,...”. Một câu nói ngắn gọn nhưng thấm thía về tình yêu gia đình, tình cảm mẹ con đã khơi dậy cảm xúc của bao thế hệ mỗi khi nhớ về đấng sinh thành. Và hôm nay, cuốn sách mà tôi muốn gửi đến bạn đọc cùng suy ngẫm chính là cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung Sook (Nhà xuất bản Hà Nội - Năm xuất bản: 2017)
Trong vòng 10 tháng, cuốn sách này đã bán hơn 1 triệu bản tại Hàn Quốc và được dịch sang 19 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Truyện còn xuất sắc đạt được giải thưởng danh giá Man Asian Literary Prize, giúp khẳng định vị thế của nhà văn nữ trên trường văn học quốc tế.
Các tác phẩm nổi tiếng khác mà bạn đọc có thể tham khảo của nhà văn Shin Kyung Sook là Căn phòng lẻ loi (1995); Nỗi buồn lớn (1994); Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi (2010),...
Câu từ nhẹ nhàng của truyện đủ sức lấy đi nhiều nước mắt của độc giả
Nội dung chính của tác phẩm
Cuốn sách truyền cảm hứng to lớn đến một thế hệ người trẻ lúc bấy giờ, rằng hãy yêu thương và trân quý tình cảm gia đình. Đừng quá đắm mình vào cuộc sống rồi quên mất đi những giá trị hạnh phúc đơn giản đang ở ngay bên cạnh.
Truyện dẫn dắt khán giả cùng những đứa con trên hành trình đi tìm kiếm người mẹ bị thất lạc. Và trên chặng đường tìm kiếm ấy, bạn sẽ ngẫm ra được nhiều giá trị quý giá mà trước giờ bản thân chưa từng nghĩ tới.
Mở đầu truyện là khung cảnh ga tàu điện ngầm đông đúc, nơi người mẹ 69 tuổi Park So Nyo bị lạc khỏi chồng trong chuyến đi thăm cậu con trai cả. Cả gia đình nhốn nháo và gấp rút đi tìm mẹ. Và trong lúc tìm kiếm một tấm ảnh để đăng tin tìm người, họ mới phát hiện ra mẹ không có lấy một bức ảnh rõ mặt chụp cùng cả gia đình.
Hành trình đi tìm người mẹ thất lạc cũng chính là hành trình tìm về dòng ký ức đầy suy tư ngày ấy, được tác giả miêu tả chi tiết và chân thực qua 5 chương của cuốn sách. Câu chuyện được các thành viên trong gia đình luân phiên nhau thuật lại, trong đó có cả mẹ.
Người con trai cả là niềm tự hào của bà, và cũng là đứa con mà bà yêu thương nhất. Bà hy vọng anh có thể thành công với một tương lai sáng lạng, hy vọng ấy nhiều đến nỗi ước mơ duy nhất của bà là thấy anh khoác lên mình chiếc áo của công tố viên. Đến khi giấc mơ đó trở thành một phần gian dở của tuổi trẻ, anh đâu biết rằng ước mơ cả đời ấy của mẹ cũng gian dở theo anh. Bà luôn đau đáu trong mình một suy nghĩ rằng chính mình đã nguyên nhân cản trở, khiến anh chùn bước.
Với người chồng, bà có lẽ là sự lựa chọn ép buộc cho một cuộc hôn nhân không có tình cảm. Ông không hài lòng với bà về mọi thứ, để mặc bà quán xuyến tất cả công việc nhà mà không hề đoái hoài tới. Biết vợ mình không biết chữ, ông tỏ thái độ coi thường người đã cùng ông đầu ấp tay gối ấy. Xót xa thay khi câu nói mà người vợ nói với ông nhiều nhất chính là “Ông đi chậm một chút”. Suốt những năm tháng từ lúc trẻ tới lúc già, ông chưa từng nắm tay đồng hành hay đi bên cạnh người phụ nữ của mình, chưa bao giờ.
Mẹ mang trong mình nhiều bí mật thầm kín: không biết chữ, bị thiếu máu, đã từng đột quỵ,... nhưng mẹ chẳng kể với ai điều đó và những đứa con trước giờ cũng không hề nhận ra qua những cử chỉ, biểu hiện bất thường của mẹ.
Chỉ khi thấy mẹ nhờ một người khác đọc cuốn sách của mình, cô con gái lớn mới vỡ lẽ ra. Và cũng chỉ đến khi mẹ không còn hiện diện ở đây nữa, họ mới nhận ra những điều đó, nhận ra mình đã quá vô tâm, thờ ơ với người mẹ ấy đến nhường nào.
Chắc hẳn bất cứ ai khi đọc cuốn sách này cùng với dòng suy nghĩ của những người con, mong rằng mẹ sẽ trở về để có cơ hội được hiểu, được chăm sóc mẹ hơn. Nhưng đớn đau thay, đến cuối cùng, mọi người đều đã được gặp mẹ nhưng là ở lời của người đã khuất. Bà đã không đợi được những đứa con tới rước, bà mất trong một đêm gió lạnh lẽo, xung quanh không một ai. Đớn đau và cay đắng cho người phụ nữ đã hy sinh cả đời mình vì chồng, vì con.
Những lời cảm nhận của độc giả
“Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động.” – Kirkus
“Lần đầu tiên mình biết truyện này qua chương trình "Đọc truyện đêm khuya" nhưng không theo dõi được hết nên mình tìm mua sách để đọc lại. Thật sự là mỗi lần đọc lại mình đều khóc vì thương người mẹ và đồng cảm với sự hối hận của những người ở lại. Thương bà và mẹ nhiều hơn sau khi đọc truyện này” - Hong Khanh
“Đây là quyển sách mà mình khuyên các bạn nên đọc 1 lần trong đời. Câu chuyện về tình cảm gia đình cực kỳ cảm động và sâu sắc, cũng như vai trò và vị trí của người mẹ trong gia đình, chỉ khi nào mất đi rồi chúng ta mới thấy vai trò của người mẹ lớn như thế nào. Đọc để thấy mình trong tác phẩm và yêu mẹ hơn.” - Nguyen Hai
Bài học suy ngẫm từ truyện
Cuốn sách là bài học quý giá, giúp những đứa con đã và đang lạc lối hãy tìm về nơi có tình cảm gia đình, tìm về nơi có những người thương yêu mình nhất. Hãy nói lời yêu thương với ba mẹ khi còn có thể bởi không gì đau đớn hơn nỗi ân hận, nuối tiếc vì đã thờ ơ, vô cảm chính người cha, người mẹ của mình.
Nguyễn Hòa Kim Thái
Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bình Dương năm 2020