Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) đang có xu hướng gia tăng trở lại. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh điều tra côn trùng, tích cực truyền thông, duy trì chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường...
|
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị bệnh nhân mắc
bệnh sốt xuất huyết
|
Ghi nhận ca tử vong đầu tiên
Hiện dịch bệnh SXHD đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Tính đến tuần thứ 37 năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 2.211 ca mắc và 1 ca tử vong, trong đó có 53 ca nặng, 31 ca dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, số ca mắc này so với cùng kỳ năm 2022 giảm 82% (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12.114 ca), số ca nặng cũng giảm 89%. Các địa phương ghi nhận ca mắc cao là TP.Thủ Dầu Một 256 ca, TP.Tân Uyên 364 ca, TP.Thuận An 376 ca, TX.Bến Cát 505 ca. Toàn tỉnh phát hiện 639 ổ dịch SXHD, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022 (2.306 ổ dịch). Các địa phương ghi nhận ổ dịch cao là TP.Thủ Dầu Một 71 ổ dịch, huyện Dầu Tiếng 72 ổ dịch, TX.Bến Cát 125 ổ dịch, TP.Tân Uyên 131 ổ dịch. Trong xử lý ổ dịch, ngành y tế xử lý bằng biện pháp diệt lăng quăng nhưng chưa có hiệu quả cao dẫn đến ca bệnh kéo dài và lan rộng. Trong khi đó, các địa phương vẫn chưa triển khai được xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo nghị định của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động phòng, chống SXH.
Ca SXHD tử vong là tại ấp 5, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên. Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên và Trạm Y tế xã Thường Tân đã tiến hành phối hợp xác minh ca bệnh, phun hóa chất xử lý ổ dịch. Qua điều tra côn trùng, lăng quăng tại nhà ca bệnh tử vong, ngành y tế không ghi nhận xung quanh nơi ở, nơi làm việc có ca mắc SXHD. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên đã đề nghị Trạm Y tế xã Thường Tân phối hợp với địa phương phát thanh tuyên truyền, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường. Trung tâm tiến hành phun hóa chất tại nhà của bệnh nhân ở ấp 5 và ấp 4 - nơi bệnh nhân làm việc; xử lý dụng cụ chứa nước có lăng quăng, phun hóa chất 2 lần để diệt muỗi, xử lý ổ dịch.
Dịch SXH có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch chưa cao. Qua kiểm tra giám sát, vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.
Trước tình hình dịch SXHD có xu hướng tăng trở lại, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Sở Y tế đã đề nghị các huyện, thị, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/ bọ gậy; kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy”.
Cùng dự báo dịch SXHD gia tăng ca mắc vào những tháng cuối năm, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp. Rất có khả năng số ca mắc SXHD trong cộng đồng hiện nay tại tỉnh rất lớn và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung đang trong giai đoạn mùa mưa nên véc tơ gây bệnh (muỗi Aedes Agypti) phát triển mạnh. Theo khảo sát của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, tuýp vi rút Dengue 2 lưu hành chủ yếu tại khu vực miền Nam, đây là tuýp gây bệnh nặng”.
Đẩy mạnh điều tra côn trùng
Điếu tra côn trùng là một trong những giải pháp kéo giảm số ca mắc SXH trên địa bàn. Theo đó, ngành y tế tỉnh duy trì điều tra côn trùng (véc tơ) hàng tháng tại 2 địa phương là phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên và thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Kết quả giám sát côn trùng trong tháng 8 cho thấy, chỉ số lăng quăng (BI) vẫn còn vượt ngưỡng cho phép (phường Tân Phước Khánh BI=23; thị trấn Dầu Tiếng BI=40). Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh duy trì đặt 88 bẫy muỗi để thu muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đưa về xét nghiệm. Để cập nhật kiến thức mới và nâng cao ý thức phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh tập huấn phòng, chống SXHD cho các huyện, thị trên địa bàn.
“Hiện ngành đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện nghiêm giám sát ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở điều trị. Đặc biệt, ngành tập trung đẩy mạnh giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Ngành duy trì hàng tuần chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXHD; chú trọng tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các khu trọ, chung cư có mật độ dân cư cao, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh nặng”, bác sĩ Trần Văn Chung cho biết.
Ngành y tế tỉnh khuyến cáo quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người bệnh, người chăm sóc bệnh cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ...
HOÀNG LINH
Nguồn trích: https://www.baobinhduong.vn