 |
Ngày 10/08/1961 là ngày đầu tiên quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin phun rải hàng triệu lít chất độc hóa học xuống nhiều nơi nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam, gây hậu quả chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Nay vừa tròn 60 năm, sự việc phần nào đã dần đi vào quên lãng nhưng sự thật thì không bao giờ lãng quên, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn còn hiển hiện, âm thầm phá hoại môi trường sống và cướp đi tính mạng của nhiều thế hệ nạn nhân da cam. Dù chiến tranh đã qua đi hơn 46 năm nhưng nhiều người giờ đây vẫn hàng ngày hàng giờ gánh chịu nỗi đau thể xác cùng những ám ảnh, thương vong, nỗi xót xa khi phải hứng chịu suốt mấy mươi năm dai dẳng không nguôi.
Ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh những cánh rừng bị hủy diệt, hoàn toàn tang hoang bởi thuốc làm rụng lá, trơ trụi gốc, hình ảnh những trẻ em dị tật, bị mù, câm, điếc, tâm thần hoặc có hình hài dị dạng tại các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình Cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam đang là nỗi đau, là gánh nặng trong cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam trong lịch sử, trong phim ảnh, trong thực tế nhưng những con số, hình ảnh này còn khắc họa rất rõ nét qua cuốn sách “Chất độc da cam tại Việt Nam - Tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay”.
Với mong muốn giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về “Thảm họa da cam” tại Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, Hội hữu nghị Việt - Pháp, Hội hữu nghị Pháp - Việt và Hội nạn nhân chất độc da cam Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh: “Chất độc da cam tại Việt Nam - Tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay” (Agent orange in Vietnam - Yesterday’s crime, today’s tragedy) Sách với độ dày 407 trang, in trên khổ giấy 14,5cm x 20,5 cm, được ấn hành năm 2009.
Cuốn sách tập hợp những bài viết, tham luận của các nhà nghiên cứu, xã hội học, lịch sử học, dịch tễ học, sinh học, luật học... AFV sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam rải ở Việt Nam (1961-1971) tại Paris (Pháp) vào ngày 11 và 12/3/2005, với sự tham dự của khoảng 250 đại biểu thuộc nhiều nước trên thế giới và 15 đại biểu Việt Nam (các nhà khoa học, bác sĩ, luật sư, nhân chứng, các nhà hoạt động xã hội) nêu rõ thực trạng và triển vọng tình hình của các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, hậu quả đối với con người và môi trường, vấn đề pháp lý và bồi thường,… Nội dung cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: Phác họa bức tranh toàn cảnh thực trạng chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam, hậu quả nặng nề và dai dẳng của nó đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Phần II: Đề cập triển vọng tương lai, làm rõ vấn đề công lý và bồi thường cho các nạn nhân.
“Chất độc da cam tại Việt Nam - Tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay” đề cập đến nguồn gốc và bản chất của vấn đề (“chiến tranh Việt Nam”, những tình huống mà Mỹ đã sử dụng vũ khí hóa học, sự quan tâm của các nhà khoa học, quy mô các tác hại đối với sức khỏe cũng như môi trường, sự do dự của giới khoa học). Tiếp đó là một số phân tích sâu về những việc sẽ được làm để giải quyết các vấn đề một số lĩnh vực (môi trường, sức khỏe, xã hội và pháp lý).
Thung lũng A Lưới - Một điển hình về tác động dữ dội của chất gây rụng lá tới môi trường. “Thung lũng A Lưới nơi bị rải dày đặc chất độc da cam, đặc biệt trong các năm 1966-1969, nhằm ngăn chặn quân giải phóng miền Nam sử dụng rừng già để ngụy trang, đồng thời cũng nhằm triệt phá các ruộng lúa và nhiều loại cây lương thực khác của người dân nơi đây” sự hủy diệt nguồn tài nguyên nông - lâm nghiệp, bần cùng hóa nông thôn, tước đoạt những đặc trưng văn hóa của dân tộc thiểu số hay dị hình bẩm sinh, bệnh ung thư và còn nhiều ảnh hưởng tồi tệ khác do hậu của chất độc da cam/dioxin để lại.
Vậy cuốn sách phác họa rõ nét những vết thương chiến tranh như thế nào? Thực trạng và triển vọng tình hình của các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, hậu quả đối với con người và môi trường, vấn đề pháp lý và bồi thường ra sao? Mời bạn đọc hãy cùng tìm đọc “Chất độc da cam tại Việt Nam - Tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay” để hiểu rõ hơn và có cái nhìn tổng quát về “Thảm họa da cam” tại Việt Nam ngày hôm qua và hậu quả vẫn còn mãi đến ngày hôm nay.
Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Bình Dương, hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc!
Ký hiệu xếp giá: 358/ CH124Đ
Số đăng ký cá biệt: M.135558
Nguyễn Nga