TTĐT - Chiều 03-01, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71% và lâm nghiệp tăng 3,74%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ đô la Mỹ; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ đô la Mỹ, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ đô la Mỹ, tăng 38,4%; gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; hạt điều 3,63 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
|
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương |
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, quyết liệt hơn trong hoạt động thực tiễn, hội nghị đã đánh giá và chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục của ngành NNPTNT. Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có nhiều điểm sáng, thặng dư thương mại đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tổng giá trị xuất khẩu mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Công tác phối hợp điều tiết sản xuất và giá một vài mặt hàng thiết yếu (lợn, gia cầm...) chưa thực sự hiệu quả.
Năm 2024, ngành NNPTNN tiếp tục chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 - 55 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.
|
Năm 2024, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%. Ảnh: Quy trình sản xuất chuối xuất khẩu tại Trang trại công nghệ cao Unifarm (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ, ngành NNPTNT không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, tình hình luôn thay đổi. Phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 55 tỷ đô la Mỹ trở lên… Thủ tướng yêu cầu ngành NNPTNT đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Phương Chi
Nguồn trích: https://www.binhduong.gov.vn