[ Đăng ngày:
15/03/2019
]
“Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương” là chấp bút của một bà mẹ Do Thái sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, đã bồi dưỡng con cái của mình trở thành triệu phú.
Do Thái là một dân tộc huyền bí, từng xuất hiện nhiều triết gia vĩ đại và doanh nhân thành công ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù dân số không đông nhưng lại có nguồn sức mạnh tiềm ẩn khổng lồ, chưa biết chừng còn nắm giữ huyết mạch của cả thế giới.
Điều đáng sợ nhất trong tình yêu thương của các bậc cha mẹ là gì? Đó là nuôi dạy chúng bằng hạnh phúc của mình.
Mọi người thường nói, tôi là cha, tôi là mẹ nên phải nhường mọi thứ cho con, hi sinh tất cả cho con, kể cả hạnh phúc của mình, như vậy mới là yêu thương con cái. Thật ra, đó chỉ là tình yêu quá trớn, hoàn toàn làm hại con. Nó khiến cho con trẻ trở thành một kẻ tàn phế suốt đời về mặt tư tưởng, tinh thần và nhân cách. Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc gọi là hạnh phúc.
Tích hợp phương pháp giáo dục của Trung Quốc và Do Thái, Sara cho rằng: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!”. Các con của bà cũng đã từng được bà nuôi dạy bằng liều thuốc mang tên “hạnh phúc” kia, mãi cho đến khi bà trở về Isarel và được thức tỉnh bởi một người hàng xóm. Có trải nghiệm về nền giáo dục của cả hai quốc gia, Sara Imas đã hình dung chúng bằng hai hình ảnh hết sức thú vị: “Cha mẹ Trung Quốc yêu thương con cái giống như hình tử cung, còn các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái giống như hình ngọn lửa.”
“Nhẫn tâm” lùi ra khỏi cuộc sống của con, sẽ là cách giúp con trưởng thành hơn. Tuy nhiên, lùi một bước không bao giờ có nghĩa là bỏ mặc con hoàn toàn. Ranh giới giữa bỏ mặc và lùi một bước là rất nhỏ, nhưng lại tồn tại sự khác biệt vô cùng lớn. Lùi một bước, là sách lược nhìn xa trông rộng trong giáo dục gia đình. Nhưng khi thực hiện giáo dục đẩy trẻ lên “tuyến đầu” đúng lúc, nếu trẻ cần được bảo vệ hoặc vấp phải khó khăn vượt quá tầm xử lý của chúng, phụ huynh phải có sự hỗ trợ trẻ thật kịp thời. Nói cách khác, cha mẹ cần đứng ở “cự ly an toàn”, để bảo vệ, để trẻ biết rằng khi nguy cấp, cha mẹ nhất định sẽ xuất hiện.
Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật, mà tất cả mọi người đều phải học tập. Đáng thương cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, nếu không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ chuốc lấy hậu quả đáng sợ và đáng hận. “Con muốn học mà cha mẹ không dạy” cũng bi thương như “con muốn nuôi, mà cha mẹ chẳng còn”.
Vậy cha mẹ cần dạy dỗ con một cách khoa học như thế nào? Đó là một câu hỏi và cũng là một vấn đề lớn có liên quan mật thiết đến sự thành công hay thất bại của một người và cũng như sự hưng thịnh hay suy thoái của cả một dân tộc. Nhưng làm thế nào để giá trị tình yêu luôn bền vững và trường tồn cùng thời gian thì không phải ai cũng biết. “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là cuốn sách chỉ cho mỗi chúng ta một con đường mới để gìn giữ giá trị tình cha mẹ.
Sách hiện đang có tại Kho đọc và Kho mượn Thư viện tỉnh Bình Dương, mời quý độc giả đến tìm đọc!
CÁC TIN KHÁC