Liên kết website :











[ Đăng ngày: 13/10/2022 ]

    Bệnh viện là nơi mà con người luôn phải đối mặt với những gì đau đớn nhất về thể xác lẫn tinh thần. Bác sĩ – người phải thường xuyên ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cái sống, cái chết của bệnh nhân- luôn phải đối mặt với sự thật. Quyển sách "Câu chuyện từ trái tim" của Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, GS. Ngô Bảo Châu viết lời tựa do NXB Thế giới phát hành năm 2021 đã phần nào chuyển tải sự thật về nghề y.

 

    Cuốn sách dày 377tr, gồm 4 phần là tập hợp những câu chuyện, những suy nghĩ, trăn trở về lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, các vấn đề xã hội của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu.

    Phần 1: Bác sĩ cũng chỉ là con người

    Phần 2: Giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu

    Phần 3: Đừng “yêu” bệnh viện

    Phần 4: Những trăn trở của một đại biểu Quốc hội


    Qua từng phần, qua từng câu chuyện người đọc càng hiểu thêm về nền y học nước nhà cũng như về người bác sĩ tiên phong phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth ở Việt Nam. Mọi người thường có quan niệm “bác sĩ là những vị cứu nhân độ thế”, “ngành y là một ngành cao quý, phải cứu người”, phải nhân văn… nhưng khi đọc những bài viết ở phần đầu, người đọc đã hiểu được một thực tế: bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc, có lúc vì công việc cuốn đi mà bỏ bê chính sức khỏe của mình. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”. 

    Phần 2 tác giả đề cập đến vấn đề giáo dục trong nghề y, làm sao để có những cải tiến, những đột phá nếu ko muốn bị dậm chân tại chỗ, từ việc đào tạo bác sĩ đến những thực tế mà các bác sĩ trẻ phải trải qua thì mới có vốn kinh nghiệm cho bản thân để làm nghề tốt hơn. Qua những bài viết của mình, tác giả đã nhắc đến những nỗi buồn của ngành y như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên Y tràn lan, đồng thời thẳng thắn phê phán thực trạng “dễ dãi và đắt tiền”, lạm dụng chỉ định… của nền y tế nước nhà. Triết lý giáo dục “Không nói dối” của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề ra là minh chứng để làm cho nền giáo dục được vững mạnh từ gốc

    Phần 3 là những bài viết về việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ đã đưa bệnh viện Đại học Y Hà Nội trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong Telehealth ở Việt Nam, những tai biến, đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ trong y khoa, việc “hoa hồng” ngành y…

    Trong quyển sách, phần thứ 4 cũng đề cập đến khoảng thời gian 5 năm làm đại biểu Quốc hội của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khóa XIV (2016-2021). Ở cương vị mới,. bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã dùng kiến thức, khả năng và tiếng nói của mình để lan tỏa sự hiểu biết, đề ra những giải pháp thiết thực đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

    Kết sách là phần phụ lục những bài phỏng vấn PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu và câu nói mà vị bác sĩ khiến bản thân tôi tâm đắc nhất là: “Kể cả giờ có là ĐBQH, thì tôi vẫn yêu nghề y hơn cả, vẫn nhớ mình trước tiên luôn là bác sĩ!”. Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành. Bởi những gì xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến được trái tim.

    Cuốn sách hiện đang có ở Thư viện tỉnh Bình Dương với số ĐKCB: VN.059060. Thân mời quý độc giả tìm đọc.

CÁC TIN KHÁC