Liên kết website :











[ Đăng ngày: 23/07/2018 ]

Tận dụng điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương thuận lợi là nằm dọc sông Sài Gòn, một số nông dân ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An đã thử nghiệm và nuôi thành công giống cá tai tượng. Điển hình như ông Võ Văn Vân, ở khu phố Đông; khi mới nuôi ông gặp không ít khó khăn nhưng đến nay loài cá này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 

  Ông Vân bên hồ cá tai tượng của gia đình. Ảnh: VĂN TIẾN

Ông Vân cho hay, cá tai tượng có khả năng thích nghi đặc biệt với điều kiện khắc nghiệt của môi trường; người nuôi có thể tận dụng thức ăn có sẵn như rau các loại kết hợp với cám tổng hợp. 80% thức ăn cho cá từ các loại rau ông mua từ các chợ đầu mối, ông chỉ kết hợp thêm khoảng 20% cám tổng hợp, vì thế chi phí mua thức ăn giảm đi đáng kể. Đây là loại cá ăn tạp nên dễ nuôi. Điều quan trọng, cá ăn nhiều rau xanh thì thịt cá sẽ ngon hơn, ngọt hơn. Do đó, trại cá của ông luôn có nhiều nhà hàng tìm đến đặt mua, như vậy ông đã giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Trước đây, ông Vân thử nuôi một số loài cá khác nhau như cá tra, chép, trê… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, ông nuôi thử nghiệm cá tai tượng mua từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ khí hậu và nguồn nước phù hợp nên loài cá này phát triển rất tốt, nên sau đó ông nhân rộng ra. Ban đầu, ông nuôi khoảng 300 - 500 con, đến nay ông nuôi trên 6.000 con; có lúc cao điểm ông nuôi khoảng 10.000 con. Nguồn nước nuôi cá tai tượng chủ yếu ông đưa từ sông Sài Gòn vào các hồ. Trong vòng 15 ngày, ông vệ sinh nguồn nước trong hồ bằng hình thức ngưng cho cá ăn, bởi nguồn nước bẩn là do quá trình cá ăn rau, lượng rau cá ăn không hết, vì vậy ngưng cung cấp thức ăn cá sẽ dọn sạch sẽ hồ, nước trở nên sạch hơn. Tuy vậy, việc ngưng cho cá ăn không ảnh hưởng quá trình phát triển của cá.

Hiện tại, ông Vân có 3 hồ nuôi cá tai tượng với tổng diện tích mặt nước 1.000m2. 1 vụ cá ông nuôi đến 2 năm mới cho thu hoạch. Đó là cách nuôi chủ yếu từ thức ăn tự nhiên, còn nếu dùng thức ăn cám tổng hợp thì thu hoạch sớm hơn, khoảng 18 tháng/vụ cá. Tuy vậy, ông vẫn chọn cách nuôi truyền thống, tức là tận dụng thức ăn từ thực vật để nuôi cá, vì chất lượng cá ngon hơn nên các nhà hàng chuộng hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá tai tượng, ông Vân cho biết, sau khi thu hoạch cá xong cần vệ sinh ao hồ cho sạch, như vét bùn sạch, tiệt trùng bằng vôi và cho nước ra vào trong vòng 5 - 6 tháng rồi mới thả cá giống khoảng 3 tháng tuổi. Có như vậy môi trường sống của cá mới bảo đảm an toàn, cá phát triển tốt. Bệnh của loài cá này không phức tạp, chủ yếu là bệnh ghẻ (chủ yếu xuất hiện trong mùa lạnh), bệnh xuất huyết mang. Để có chi phí nuôi cá, ông chọn nuôi xen kẽ từng hồ, có như vậy khi thu hoạch lứa cá này ông có kinh phí để mua thức ăn nuôi lứa cá khác. Hàng ngày, ông đi chợ đầu mối mua rau xanh các loại làm thức ăn cho cá, kết hợp thêm cám tổng hợp nên tiết kiệm được chi phí.

Để có được thành công nuôi cá như hôm nay, ông Vân đã trải qua 2 lần trắng tay. Đó là vào năm 2012, ông thất thu trên 3 tấn cá; năm 2016 ông mất khoảng 3 tấn do vỡ bờ bao sông, gây ngập và cá đi ra sông hết. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 150 triệu đồng.

Bên cạnh cá tai tượng, ông Vân đang thử nghiệm mô hình cá chép Nhật, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm. Theo ông Vân, loài cá này chủ yếu ăn cám tổng hợp; quá trình phát triển loài cá này rất tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở đây.

Ông Nguyễn Thanh Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú, cho biết hiện nay, trên địa bàn phường có Tổ hợp tác nuôi cá tai tượng với 17 thành viên. Đầu ra sản phẩm cá tai tượng ổn định, góp phần giúp người nuôi cá yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường cũng tạo điều kiện giới thiệu các nguồn vốn vay cho các hộ nuôi cá, cụ thể như vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã có 11 hộ vay với tổng số tiền 500 triệu đồng, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội… để đầu tư sản xuất.

VĂN TIẾN

Theo baobinhduong.vn

CÁC TIN KHÁC