Liên kết website :












[ Đăng ngày: 06/10/2023 ]
TTĐT - Sáng 05-10, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương khảo sát, tìm hiểu thực tế mô hình phát triển của tỉnh trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050. 

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Tiên phong trong đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, chương trình khảo sát, tìm hiểu thực tế, trao đổi thông tin của Đoàn nhằm triển khai chương trình hợp tác giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương về việc thực hiện Đề án "Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050".
 
 
 Toàn cảnh buổi làm việc

Đề án có nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, góp phần làm rõ những đặc trưng nổi bật, những thành công và bài học kinh nghiệm của mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước; Đề án cũng phân tích, dự báo những nhân tố tác động và xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, cấp thiết, không chỉ định hình sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong khoảng ba thập kỷ tới, mà còn góp phần cung cấp luận cứ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và tổng kết 40 năm đổi mới đất nước.

Hiện nay, Tỉnh ủy Bình Dương tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh tích cực triển khai các công việc của Đề án. Do vậy, việc Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Đoàn khảo sát, tìm hiểu thực tế, trao đổi thông tin tại tỉnh Bình Dương có ý nghĩa rất quan trọng để cùng tỉnh đánh giá chính xác, khách quan toàn diện thực trạng phát triển của tỉnh Bình Dương trên các lĩnh vực; xác định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cũng như những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.
 
 
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo của Tỉnh ủy cho thấy, sau 25 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn và đáng tự hào trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh thuần nông thành tỉnh có công nghiệp phát triển thuộc nhóm đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bộ mặt của tỉnh đã được thay đổi một cách rõ rệt trên nhiều phương diện; kinh tế tăng trưởng liên tục và trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; thu hút được một lực lượng lớn lao động ngoài tỉnh và chuyên gia nước ngoài. Y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Quốc phòng, an ninh của tỉnh được củng cố và ổn định. Quan hệ đối ngoại và hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả...

Năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 459.000 tỷ đồng, gấp 117 lần năm 1997, đưa Bình Dương trở thành địa phương có quy mô kinh tế đứng thứ 3 cả nước. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng gấp 14 lần, công nghiệp tăng 140 lần và dịch vụ tăng 152 lần. GRDP bình quân đầu người đạt trên 166 triệu đồng/người, gấp 28,7 lần so với năm 1997. Thu ngân sách năm 2022 đạt 61.940 tỷ đồng, Bình Dương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao thứ 3 cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.
Trong quá trình phát triển, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thông qua mô hình kết nối Ba nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà trường, viện) và hợp tác các ngành để tăng tính thực tiễn trong triển khai thực hiện. Theo đó, đã phối hợp với đối tác Singapore để phát triển hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối viện trường xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm công nghệ, vườn ươm, Fablab tại các trường đại học: Việt - Đức (VGU), Quốc tế Miền Đông (EIU), Bình Dương (BDU)…; khởi động Đề án Thành phố thông minh đẩy mạnh liên kết quốc tế, sự kiện, giải thưởng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số sở, ngành đã trao đổi với Đoàn về tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển; kinh nghiệm rút ra sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới; cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển của Bình Dương...

Theo đánh giá của Đoàn công tác, thành công của Bình Dương bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong đó có cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo dựa vào khoa học công nghệ để thu hút đầu tư…
  
 
 
 
 Các thành viên Đoàn khảo sát đặt câu hỏi cho các sở ngành

Chia sẻ với Đoàn về các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực lao động trong thời gian tới, ông Trịnh Đức Tài - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, toàn tỉnh có 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm 85%  và 21.72 lao động người nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác kết nối cung cầu và phát triển thị trường lao động với hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó bình quân hàng năm cung ứng hơn 10.000 lao động cho các doanh nghiệp. Ngoài ra Bình Dương có 86 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,5% và tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 32,5%, cao hơn so với yêu cầu của Trung ương. Tuy nhiên chỉ tiêu về nguồn nhân lực chất lượng cao còn thấp. Từ thực tế đặt ra cho tỉnh nhiều vấn đề trong thu hút phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bình Dương đã và đang đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo các trường nghề; đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường liên kết nhà trường - doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.
  
 
 
 
 Lãnh đạo các sở ngành thông tin với Đoàn khảo sát
 
Trong giai đoạn mới, bên cạnh việc phát huy, tận dụng tối đa những tiềm năng lợi thế, Bình Dương tiếp tục tạo ra động lực tăng trưởng bằng việc đổi mới sáng tạo, sắp xếp vành đai công nghiệp, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế… gắn với định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh. Ông Lai Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bình Dương định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mô hình và cấu trúc phát triển gồm: 01 trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 Vành đai liên kết và 05 phân vùng phát triển.

Theo đó, bản quy hoạch thời kỳ này hướng đến phát triển Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tỉnh định hướng đến năm 2030 cơ bản trở thành một thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, là một trong các đô thị hiện đại, đáng sống, văn minh. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác. Phát triển công nghiệp thế hệ mới hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0 tạo lập một vành đai công nghiệp. Xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. Đảm bảo tình hình quốc phòng, an ninh chính trị,  nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tổ chức bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tiến hành di dời và tái cấu trúc chức năng của các doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Nam trên cơ sở định hướng quy hoạch sẽ thông qua nhằm tái cơ cấu nội bộ ngành, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và dịch vụ, nâng dần giá trị đóng góp của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhanh chóng hình thành các dịch vụ hậu cần logistics đặc thù phục vụ cho phát triển công nghiệp.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại chất lượng cao cấp vùng để nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ logictics, dịch vụ thương mại chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực và các loại hình dịch vụ mới. Phát triển các dịch vụ đô thị chất lượng cao để cung cấp các dịch vụ tiện ích, hiện đại cho người dân, lao động, chuyên gia tại tỉnh Bình Dương và các địa phương lân cận. Đảm bảo bán kính tiếp cận thuận lợi theo từng địa bàn huyện thị, thành phố.

Đến năm 2030, Bình Dương thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện. Phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin báo chí, đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình thông tin điện tử; ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong thu thập và xử lý thông tin, sản xuất chương trình; tăng cường quản lý truyền thông trên nền tảng số.
Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Đông Nam bộ trên cơ sở khai thác, phát huy các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh. Bố trí quỹ đất tại các đô thị, phía Bắc đường Vành đai 4 để hình thành khu đại học tập trung có chất lượng quốc tế, thu hút các trường đại học có chất lượng trong và ngoài nước, từng bước phát triển Bình Dương trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của quốc gia.
 
 
 GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng lý luận Trung ương Phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá, Bình Dương từ tỉnh thuần nông nghèo, sau 30 năm đã có bước phát triển vượt bậc và thu được nhiều kết quả tích cực. Ngành công nghiệp, dịch vụ, chiếm gần 97% trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đứng hàng đầu cả nước, tỷ lệ đô thị hoá đạt 84%, gấp đôi cả nước. Tỉnh đã có nhiều giải pháp để thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng về y tế, giáo dục và an sinh xã hội, góp phần để xây dựng tỉnh phát triển bền vững. Có được thành công trên, tỉnh đã có tận dụng có hiệu quả các tiềm năng và vị trí, quan tâm đến đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Đồng thời, chú trọng đến cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã luôn tiên phong đi trước, đột phá và sáng tạo trong thực hiện các chiến lược phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Ông cho rằng, những thành công của Bình Dương sẽ là bài học hay để Trung ương tiếp tục hoàn thiện về mặt lý luận lẫn thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước thời gian tới.

Yến Nhi
Nguồn trích: https://www.binhduong.gov.vn

CÁC TIN KHÁC