TTĐT - Sáng 11-5, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra Hội thảo quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ".
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên cả nước.
|
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng,
trung cấp, các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo
|
Đây là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, nghiên cứu trau dồi chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực các trường đang đào tạo, qua đó có những định hướng phát triển chất lượng hơn trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và trao đổi các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách cần hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ; vai trò của Nhà nước đối với nguồn lực cho giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; quyền tự chủ đại học và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; phát triển giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngoài công lập; triển khai mô hình hợp tác đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, cao đẳng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
|
PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật
Trung ương phát biểu tại Hội thảo
|
PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, các trường đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật đã và đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong vấn đề tự chủ về tài chính và nhân lực. Với tính chất đặc thù, đội ngũ giảng dạy tại các trường văn hóa nghệ thuật bao gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ, cùng với phương pháp giảng dạy mang tính cầm tay chỉ việc, một thầy một trò; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy văn hóa nghệ thuật cần đầu tư tốn kém (nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng, thiết bị ghi âm, ghi hình, phòng thu, phòng tập, sân khấu biểu diễn) và cũng chỉ đáp ứng việc giảng dạy cho số lượng không nhiều sinh viên chứ không thể đại trà, số lượng lớn như các ngành đào tạo khác.
Theo các đại biểu, cần tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học phù hợp với những điều kiện thực tiễn và có hiệu quả nhất, bảo đảm chính sách, pháp luật về tự chủ phải đồng bộ và cụ thể với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng chi đặt hàng các trường ngành văn hóa nghệ thuật trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức.
Đặc biệt, sự đổi mới tư duy của các cơ sở đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật vẫn là yếu tố quyết định thành công khi tự chủ đại học. Các trường cần thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng thực hành cho cả người dạy và người học; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm; liên thông đào tạo giữa các hệ đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật, các trường trong và ngoài nước; mở các ngành học mới theo nhu cầu của thực tiễn và theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo…
Phương Chi
Nguồn trích: https://www.binhduong.gov.vn/