Liên kết website :











[ Đăng ngày: 16/01/2023 ]

Nắm chắc phương châm "Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến", với mục tiêu đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống của Nhân dân, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục khẳng định mình trên con đường cùng Dân tộc phát triển, với khát vọng hùng cường.

 

Khép lại năm 2022, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, dẫn dắt Dân tộc tái thiết đất nước sau Đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, đạt nhiều kết quả quan trọng, quyết định sự trở lại ấn tượng của chúng ta nhịp nước mạnh mẽ cùng các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Đây là năm đầu tiên cả hệ thống chính trị triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển toàn diện, đồng bộ của công cuộc đổi mới.

Trên nền tảng đó, nắm chắc phương châm "Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến", với mục tiêu đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống của Nhân dân, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục khẳng định mình trên con đường cùng Dân tộc phát triển, với khát vọng hùng cường.

 

Với vị thế và chức năng của mình, chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa.

Thực tiễn phát triển năm 2022 càng khẳng định, không nắm lấy và sử dụng công cụ quản lý nhà nước bằng pháp luật nhất định không có bất cứ sự phát triển mạnh mẽ và bền vững và xứng tầm nào của riêng văn hóa cùng với kinh tế, chính trị và xã hội trong tổng thể phát triển toàn diện, rộng lớn và hiện thực của Đất nước như mong đợi. Đến lượt mình, nếu không nắm lấy và sử dụng công cụ quản lý nhà nước bằng pháp luật Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cũng sẽ không thể có vị thế, sức mạnh và uy tín ngang tầm của mình góp phần quan trọng và xứng đáng trên con đường kiến tạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên nền tảng đó, thực thi Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các địa phương, ban, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp theo Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhiệm vụ của Chiến lược bằng các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và chương trình hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa.

Theo đó, nhiều sự kiện lớn được tổ chức với nhiều quy mô từ cấp Trung ương đến địa phương. Ở tầm vĩ mô, Hội thảo Văn hóa 2022 đặt vấn đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa", tại tỉnh Bắc Ninh (do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì); Hội thảo quốc gia góp phần nhận diện, kiến tạo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" năm 2022 góp phần tìm tòi và phát triển giải pháp một cách hệ thống và khả thi… Đặc biệt, trọng sự "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" được xác định là chủ đề công tác năm 2022.

Ở địa phương, các sự kiện văn hóa được tổ chức sôi nổi, rộng khắp: Từ Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan Chèo, Liên hoan Cải lương đến Ngày hội Văn hóa của các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Liên hoan tiếng hát công nhân toàn quốc,… Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn là cơ hội phát hiện, phát huy, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa quý báu của Dân tộc được thế giới vinh danh…

Trên lĩnh vực Du lịch, năm 2022 đánh dấu sự trở lại đầy ngoạn mục của ngành. Thành tựu cần khẳng định là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động trình Chính phủ về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 5/2022. Quyết sách này tạo nên sự phục hồi nhanh chóng tại các địa bàn trọng điểm, thu hút gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và nâng lượng khách nội địa lên gần 101 triệu lượt (so với chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt)… Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa sau đại dịch Covid-19 thực sự là một điểm sáng của toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành.

Trên lĩnh vực thể thao, được Đảng, Nhà nước giao phó, Bộ đã tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Đó cũng chính là "điểm nhấn" quan trọng, góp phần khẳng định một Việt Nam mạnh mẽ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, một Việt Nam chủ động, kết nối và lan truyền cảm hứng tích cực với thông điệp "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn", góp phần khẳng định một Việt Nam trách nhiệm và tỏa sáng hình ảnh và uy tín con người Việt Nam nhiệt thành, hòa mục và nhân văn.

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX – Kỳ Đại hội được tổ chức quy mô nhất lịch sử ở Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hòa Bình, Vĩnh Phúc) với sự tham gia của hơn 17.000 người. Đại hội là trường thi tài để các vận động viên cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa khát khao, niềm tin chiến thắng và xác lập những kỷ lục mới của thể thao nước nhà và thắt chặt tình đoàn kết toàn Dân tộc. Và, qua đây, chính là bước chuẩn bị mang tầm dài hạn về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đồng hành với khu vực và quốc tế. 

 

Nhìn lại năm 2022, có thể khẳng định, là một năm rất đáng ghi nhận về tinh thần "Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến" của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với tinh thần "Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần căn dặn. Đó không chỉ là sự đổi mới về tư duy, nhận thức, tầm nhìn mà là kết quả sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị không ngừng đầu tư toàn diện, nhất là xây dựng và phát triển về thể chế, về cơ chế, về nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, mà ngành vinh dự được trao trọng trách và gánh vác sứ mệnh to lớn và quan trọng này, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, lĩnh vực văn hóa ngày càng xứng đáng là một nhân tố căn bản, có sức mạnh to lớn và quan trọng góp phần làm nên những thành tựu quan trọng, có tính chất toàn diện và với tốc độ tăng trưởng đáng khẳng định: Tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua (8,02%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những cân đối lớn, quan trọng được bảo đảm và giữ thế ổn định trên bình diện vĩ mô... Sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa và xã hội đều tiến những bước quan trọng. Đặc biệt, góp phần cổ vũ và khơi dậy hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm; không ngừng giữ vững thế trận an ninh quốc phòng; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả. Việt Nam vinh dự được quốc tế xếp thứ 5 về phát triển bền vững, trong đó có môi trường và các tiêu chí văn hóa, xã hội. 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa còn, dân tộc còn - văn hóa mất, dân tộc mất".

Đó chính là trọng trách lịch sử trực tiếp và vẻ vang của ngành văn hóa. thể thao và du lịch Việt Nam.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp. Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tiếp tục thách thức gay gắt sự phát triển văn hóa và xã hội.

 

Tình hình đó đã và đang thách thức tư duy, bản lĩnh và hành động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu trực tiếp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đặt trong tổng thể Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của Đất nước. Dù các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 2 năm chống chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều yếu tố rủi ro, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, chưa góp phần nâng cao xứng đáng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Sự chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm xây dựng công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của dân tộc nhưng vẫn còn rất khó khăn, hạn chế. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sự khai thác tổng lực, trong đó trước hết về con người, về ưu thế sự đa dạng văn hóa, về thế mạnh đặc sắc của điều kiện thiên nhiên, cho dù là những nguồn lực phát triển lớn nhưng vẫn đang đối mặt với không ít bất cập, trước hết về thể chế và mô thức phát triển. Quyết tâm khẳng định mạnh mẽ và tin cậy với sự trở lại của lĩnh vực du lịch quốc tế Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực dù đã tiến những bước rất quan trọng nhưng vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn về phục hồi kinh tế, về phát triển văn hóa và bảo vệ mội trường sinh thái và xã hội của thời kỳ hậu Covid-19.

Tình hình khác thường đó và yêu cầu phát triển mới của Đất nước đòi hỏi, trước hết về quan điểm, phải đặt và coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội trong tổng thể công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, bằng Triết lý Văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam, với khát vọng Đất nước hùng cường, trong tầm nhìn tới năm 2045.

Về phương châm, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tìm tòi cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công những khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ và có hệ thống; kiên quyết đoạn tuyệt với mọi thứ tư duy ngắn hạn, yếm thế hay cục bộ, khép kín, không ngừng tẩy trừ mọi thái độ nửa vời, do dự, hay dao động, chập chờn.

Về chương trình hành động và tổ chức hành động, tiếp tục nghiên cứu, thực thi Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa để chấn hưng và phát triển văn hóa theo sự chỉ đạo và tin cậy của Chính phủ một cách tổng thể và hiệu quả. Hơn lúc nào hết, trong trọng sự quốc gia này, nhất định phải cổ vũ và bảo vệ tinh thần "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt", như sự chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2011. Đó là mục tiêu hành động của ngành văn hóa vì văn hóa phát triển và phát triển văn hóa trong tổng thể công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Công việc cấp bách mang ý nghĩa quyết định trước mắt, tiếp tục chủ động rà soát, phát hiện kịp thời, đề xuất các quan điểm và hệ giải pháp trên phương diện quản lý nhà nước không ngừng giải quyết hiệu quả các khâu khiếm khuyết, khai thông các "điểm nghẽn" về quan điểm văn hóa phát triển và hệ thể chế phát triển văn hóa, thực sự góp phần nâng cao tính tiên phong của văn hóa Việt Nam. Đồng thời, tập trung sức mạnh xây dựng các lĩnh vực then chốt của văn hóa, lựa chọn vấn đề mang ý nghĩa đột phá nhưng mang tính tổng thể về văn hóa chính trị, về những biến thái phản văn hóa nhằm xây dựng đạo đức xã hội, phát triển toàn diện con người ngay từ mỗi cơ sở, từ mỗi cộng đồng và từ mỗi gia đình. Tập trung sức mạnh xây dựng, phát triển môi trường văn hóa có sức lan tỏa của rộng khắp và bền vững với các thiết chế văn hóa phù hợp, trước hết là môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư, kiên quyết gìn giữ đạo lý, phong tục tập quán tốt đẹp song hành với chủ động ngăn chặn sự tha hóa, thậm chí xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội ở không ít phương diện và lực lượng quan trọng.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong phát triển kinh tế, phát triển ngoại giao xứng đáng với đủ tầm mức từ quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp vùng tới cấp cơ sở đủ sức lay động toàn diện, sâu rộng và thiết thực không chỉ với các tầng lớp Nhân dân mà còn mở rộng mọi cách cửa nhân văn đón bạn bè quốc tế. Đặc biệt, chú trọng mở các kỳ liên hoan văn hóa mang tính toàn ngành, tạo diện mạo và sức bật mới, nhằm tôn vinh nghệ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội từ cơ sở và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân đông đảo… Không ngừng gắn chặt phát triển văn hóa với phát triển du lịch để phát triển kinh tế, xã hội và ngoại giao một cách thấm đẫm văn hóa và bằng du lịch nhằm gửi tới thế giới thông điệp thuyết phục và mạnh mẽ về một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và nhân văn. Đồng thời, đẩy mạnh việc số hóa toàn bộ các lĩnh vực văn hóa, trực tiếp ở đây là bảo vệ và nâng cao giá trị các di sản quốc gia, bảo vật quốc gia phục vụ Nhân dân và giới thiệu văn hóa Việt Nam mời gọi bạn bè quốc tế, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng và sức thẩm thấu tinh tế và bền vững của văn hóa Việt Nam.

Cuối cùng, không ngừng đổi mới bộ máy, đội ngũ những nhà văn hóa và những người làm công tác văn hóa mang tính hệ thống và chỉnh thể một cách đồng bộ và ngang tầm trọng trách phát triển văn hóa thật tinh nhuệ và thật sự thấm đẫm văn hóa phát triển Việt Nam. Đây là nhân tố cơ bản, mang ý nghĩa quyết định thành công. 

 

Nhìn lại toàn diện nghiêm cách một năm sau Đại dịch 2022, với cả hai mặt, để khẳng định và đi tới một cách tự tin và mạnh mẽ năm 2023 và trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2026 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, chủ động góp phần xây dựng và phát triển Triết lý phát triển Việt Nam mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, với Hệ giá trị Việt Nam trong tầm nhìn 2045.

Tầm nhìn chiến lược Đất nước đã mở, mục tiêu phát triển Đất nước đã định, con đường rộng rãi đã vun đắp, vấn đề còn lại tùy thuộc vào tư duy, bản lĩnh và hành động thật sự đoàn kết và nhân văn đầy trọng trách của ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng toàn Dân tộc, góp phần quyết tâm đưa Đất nước vươn tới hùng cường và nhịp bước cùng thời đại./.

Nội dung:

TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Thiết kế:

Thu Mai

Nguồn trích: bvhttdl.gov.vn

CÁC TIN KHÁC