Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam / Mai Hồng đồng chủ biên...[và những người khác]. - Hà Nội : Thông tin và truyền thông, 2013. - 130 tr. : ảnh màu, bản đồ ; 24 cm.
|
“Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt Việt Nam” – một cuốn sách có giá trị lịch sử, khoa học và pháp lý cao về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Có thể nói, đây là cuốn sách cần cho mọi người mọi nhà, cần cho hôm nay và mai sau!
Cuốn sách được biên soạn công phu, tập hợp các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: lịch sử, khảo cứu, đồ bản, địa lý, văn hóa… của các tác giả: Tiến sĩ Mai Hồng, Giáo sư Tiến sĩ Lê Trọng, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, nhà báo Văn Cường, nhà báo Hiệp Đức… tạo thành một hệ thống tư liệu, thư tịch phong phú, khoa học, chuẩn xác nhằm khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuyệt nhiên không nằm trong vùng “tranh chấp” giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông.
Chỉ cần đọc tên các bài trong sách: “Bản đồ Trung Quốc 1094 không có Hoàng Sa, Trường Sa” của Tiến Sĩ Mai Hồng; “Giá trị khoa học của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha; “Dư luận sau khi Tiến sĩ Mai Hồng trao tặng “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam” của Tiến sĩ Đinh Công Vĩ; “Hoàng Sa và Trường Sa “là máu của máu Việt Nam là thịt của thịt Việt Nam” mãi mãi không thể cắt rời” cuả Tiến sĩ Đinh Công Vĩ; “Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc của thời các Chúa Nguyễn” của nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân; “Lý Sơn – đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa” của nhà báo Từ Khôi; “Các bản đồ, tài liệu của Trung Quốc tự nói lên Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” của Luật gia Bùi Phúc Hải… hẳn quý đọc giả đã thấy được tính thuyết phục to lớn của tập sách thật giá trị này.
Phần “Một số ảnh tư liệu khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa” mang đến cho người đọc một cái nhìn khái quát, sinh động mà rất rõ chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ lâu đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là:
- Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do các Hoàng đế nhà Thanh (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo xây dựng trong gần hai thế kỷ, được các giáo sỹ phương Tây đảm nhiệm kỹ thuật đo đạc, can vẽ, công bố năm 1904, thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa không thuộc lãnh thổ của nước họ.
- Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) xuất bản năm 1908. Phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc trong bản đồ này chỉ đến đảo Hải Nam.
- “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn, triều Minh Mạng (1820 – 1841) đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam).
- “An Nam đại quốc họa đồ” (Đây là bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh – Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.
- “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương” (năm 1940): Đài ở Pattle (Hoàng Sa) và đài ở Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương.
- Những “Châu bản triều Nguyễn” – nguồn sử liệu có giá trị (thể hiện chủ quyền từ lâu của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
- Cửu đỉnh – Báu vật thời Nguyễn khẳng định chủ quyền biển đảov.v…
Căn cứ vào các nguồn sử liệu trên Gíáo sư Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của Việt Nam. Triều đình coi đấy là đất của mình và có trách nhiệm với đất của mình”; Gíáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi được của đất nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa”.
Có mặt trong Lễ bàn giao Bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (xuất bản năm 1904) cho Bảo tảng Lịch sử Quốc gia, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Bản đồ được xem là một trong những tư liệu lịch sử, cho nên việc sưu tập bản đồ là hết sức cần thiết trong công tác nghiên cứu nói chung, trong đó có những vấn đề liên quan đến chủ quyền. Chúng ta biết rằng, việc xây dựng được một tấm bản đồ chẳng hạn như Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” mang tính khoa học cao, do vậy cũng có tính thuyết phục rất cao”.
Sẽ là thiếu sót nếu trong bài viết này không điểm qua các bài: “Lịch sử dạy ta qua những mâm cỗ cúng, tế vong linh binh lính Hoàng Sa – Trường Sa” của Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Trọng; “Những người nặng lòng với Biển Đảo quê hương” của nhà báo Văn Cường…
Trong Lời giới thiệu cho cuốn sách, Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Môn loại: 320.1209597 / H407S
SĐKCB: M.167530, VV.008487