Quyển sách Điểm đến của cuộc đời được xuất bản năm 2018 bởi NXB Hội nhà văn với khổ 14 x 20.5 cm và độ dày 236 trang. Tác phẩm được viết bởi tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - một nhà hoạt động xã hội, một tác giả chính luận. Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, anh luôn không ngừng truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn. Đến với Điểm đến của cuộc đời, tác giả Đặng Hoàng Giang đã hấp dẫn bạn đọc bởi cách nhìn nhận cuộc sống sâu sắc, bởi những bài học nhân văn cao đẹp.
Đặng Hoàng Giang đã có một tác phẩm vô cùng xuất sắc viết về đề tài khá hiếm hoi tại Việt Nam: Cận tử. Ai cũng biết thời khắc cuối cùng của đời mình rồi sẽ đến, nhưng mỗi người lại có một cách đối diện với nó khác nhau. Truyền thông và báo chí hay ca ngợi những người hùng “chiến đấu với bệnh tật để giành lấy sự sống” nhưng ta cũng cần ca ngợi một kiểu người hùng “chấp nhận và đối diện với cái chết một cách bình thản, nhẹ nhàng.” Và Đặng Hoàng Giang đã ca ngợi một kiểu người hùng như thế trong Điểm đến của cuộc đời.
Quyển sách là tổng hợp 3 câu chuyện đến từ những bệnh nhân ung thư đang đứng bên bờ vực giữa sự sống và cái chết. Ấy là Nam - cậu học sinh tiểu học, một cậu bé hiểu chuyện, hồn nhiên, lạc quan và vô cùng thương yêu mẹ mình. Trước lúc ra đi, Nam đã nói thật nhiều lời yêu thương, lời tạm biệt mẹ mình. Trước sự mất mát to lớn này, chị Hà - mẹ của Nam may mắn đã vượt lên nỗi đau thương mà cảm thấy biết ơn, biết ơn vì mười năm qua đã đồng hành và thương yêu con, có cùng với con những tháng ngày êm đềm và hạnh phúc, biết ơn vì con trai đã kịp nói lời tạm biệt mình trước lúc lâm chung. Câu chuyện tiếp theo là Liên - cô sinh viên đại học ưu tú, mang trong mình biết bao hoài bão cao đẹp, cô đã tìm ra được ý nghĩa sống cho riêng mình “Với em, một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống mà em không bao giờ bỏ cuộc. Em cố gắng để có được kết quả không thể nào tốt hơn, và rồi nhìn nó mỉm cười và chấp nhận.” - Liên nói. Và khi được hỏi rằng vì sao đang mang một căn bệnh gần như là sẽ không qua khỏi, mà Liên vẫn yêu đời và bình tâm như vậy, cô trả lời: “Em sống là để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn, và qua đó cho họ động lực để sống tốt hơn”. Câu chuyện của Liên đã được báo chí đăng lại rất nhiều, nó đã trở thành nguồn cảm hứng sống cho những người trẻ hay những người mắc bệnh ung thư như cô. Và câu chuyện cuối cùng là Vân - một người phụ nữ vùng núi nhân hậu, nhân ái, một người mẹ giàu đức hi sinh. Trước lúc ra đi, cô đã kịp ghi âm căn dặn và nhắc nhở vài điều cho 2 đứa con gái nhỏ bé của mình. Hơn nữa, cô còn có ước muốn hiến tặng giác mạc của mình, đem đến ánh sáng cho người khiếm thị ngoài kia sau khi cô mất. Ta thấy rằng dù đang đứng trước lưỡi hái của tử thần, nhưng người phụ nữ giản dị ấy lại có một mong ước cao đẹp như vậy. Ba câu chuyện đến từ 3 bệnh nhân có hoàn cảnh khác nhau, chịu những đớn đau bệnh tật khác nhau. Nhưng, một điểm chung mà hầu hết bạn đọc đều thấy ở họ, đó là một một bản lĩnh kiên cường, một trái tim tràn đầy sức sống - những thứ giúp họ đối diện và đón nhận cái chết một cách bình thản và nhẹ nhàng.
Khi nhắc về cái chết, ai ai trong chúng ta cũng chỉ nhớ về những nỗi đau, những thương tổn, những nỗi lo âu triền miên, những trăm ngàn điều khiến ta phải run lên vì sợ hãi. Thế nhưng, khi đồng hành với những bệnh nhân cận tử ấy, Đặng Hoàng Giang đã cho ta thấy, dù đang nếm trải những đau đớn tột cùng, nhưng họ vẫn không ngừng lạc quan, họ vẫn có thể tiếp tục cho đi niềm yêu thương, họ vẫn sống bình dị như những ngày họ chưa từng bệnh. Nhìn vào những người cận tử ấy, ta nhận ra biết bao lẽ sống đẹp đẽ cho riêng mình: ta học được cách biết ơn, trân trọng từng giây phút của cuộc đời, ta biết phấn đấu và nỗ lực hết mình khi còn có thể, ta không ngừng trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương, ta học cách sống bình thản giữa thế gian lắm bộn bề,...
Hãy đọc trọn vẹn quyển sách để cảm nhận cái hay, cái sâu sắc, cái nhân văn từ những câu chuyện vô cùng ý nghĩa.
Nguyễn Anh Hào
Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bình Dương năm 2023