Liên kết website :












[ Đăng ngày: 11/10/2023 ]
Đọc sách là một chuyện đơn giản, thế nhưng, để đọc sách đúng và hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Bởi thế mà ta cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch trước khi bắt tay vào tìm đọc 1 cuốn sách

I. TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Trả lời 3 câu hỏi
+ Vì sao bạn lại chọn đọc cuốn sách này (theo nhu cầu học tập, làm việc, giải trí, chữa lành,...)?
+ Bạn muốn “gặt hái” được gì từ cuốn sách này? 
+ Sau khi đọc xong bạn muốn trở thành người như thế nào? 
=> Xác định được mục đích khi muốn đọc 1 cuốn sách nào đó. 
2. Xem review sách từ nhiều nguồn: app goodread, youtube,... vì ở đấy, đa số mọi người thường chia sẻ những cảm nhận chân thật nhất của mình, không trục lợi cũng như không có mục đích gì khác ngoài việc chia sẻ, lan tỏa nội dung, giá trị của 1 cuốn sách.
3. Chọn sách theo phương pháp (được đúc kết từ nhiều năm đọc sách)
- Chọn theo thể loại: 
+ Theo sở thích cá nhân
+ Theo nhu cầu học tập, làm việc (giáo trình, tài liệu học tập,...) 
=> Tránh đọc lan man, dễ chán, đọc không mang lại lợi ích gì 
- Kiểm tra nhà xuất bản, tác giả sách
+ Chú ý những nhà xuất bản, tác giả sách uy tín, từng cho ra mắt nhiều loại sách hay, nổi tiếng,...
=> Tránh mua nhầm sách giả, sách không uy tín, nội dung chưa được kiểm chứng. 
- Tính thời đại của quyển sách
+ Kiểm chứng đó có phải là sách “kinh điển” hay không? Sách kinh điển tức những quyển sách được viết từ một tác giả nổi tiếng, có chuyên môn cao, từng đạt được nhiều giải thưởng. Tác giả đó đã viết cuốn sách đó từ rất lâu thế nhưng nội dung, kiến thức, giá trị và bài học mà cuốn sách mang lại vẫn có thể áp dụng được cho ngày nay. Dù trải qua mười năm hay hai mươi năm thì bạn đọc vẫn chọn đọc và đón nhận cuốn sách đó nồng nhiệt.
=> Nếu là sách kinh điển, chọn đọc ngay, không cần lăn tăn. 
=> Giúp bạn chọn được một cuốn sách hay một cách nhanh chóng.
Đây là việc lọc sách, lọc những quyển sách không có giá trị, không phù hợp với bản thân. Chọn được những quyển chúng ta cần và thấy nó có thể giúp ích được cho chúng ta, là bước quan trọng trước khi chúng ta bắt tay vào đọc. 

II. TIẾP CẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRONG KHI ĐỌC SÁCH

1. Đọc chủ động 

Trong những năm trở lại đây, em đã tạo cho mình thói quen đọc chủ động, tức là luôn chuẩn bị một cây bút chì, bút highlight, giấy note để khi đọc đến những đoạn quan trọng và cần ghi nhớ em sẽ đánh dấu lại, em cũng sử dụng một số ký hiệu riêng biệt cho những đoạn có nội dung khác nhau:
+ Ký hiệu dấu X cho những kiến thức quan trọng, cần ghi nhớ
+ Ký hiệu ? dành cho những nội dung chưa thực sự hiểu và cần tìm hiểu thêm
+ Kí hiệu Q dành cho những câu văn ấn tượng và muốn trích dẫn lại
+ Kí hiệu B dành cho những bài học thực tế mà tác giả muốn nhắn nhủ, gửi gắm đến bạn đọc. Và mình cũng có thể áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống (học tập, làm việc, kỹ năng sống)
=> Nhìn chung, thì việc gạch chân, ghi chú lại trong sách sẽ giúp mình theo dõi cuốn sách một cách tập trung hơn. Đây là sẽ là tiền đề cho một khâu ghi nhớ quan trọng. 

2. Gợi ý và ghi tóm tắt lại thông tin

Để ghi nhớ thông tin lâu hơn, thì việc tự gợi nhớ lại là điều quan trọng. Sau khi đọc xong 1 chương hay 1 vài trang sách. Em hay dành khoảng 40 giây, 1 phút để nhớ lại mình đã học được gì, đã ghi nhớ lại những bài học nào. Sau đó thì em mở sách ra, ghi tóm tắt lại những nội dung quan trọng mà em đã đánh dấu, gạch chân lại trong khi đọc, mà viết theo cách hiểu, cách diễn đạt của mình chứ không phải nhìn chép y nguyên như sách (bạn có thể ghi chép và trình bày lại trong sổ tay, trong điện thoại và sử dụng app Notion) 

Việc ghi chú và take notes lại trong sách khiến hành trình đọc của các bạn thú vị hơn rất nhiều. Não bộ của mình sinh ra không phải để ghi nhớ thông tin, thế nên các bạn cần phải chuyển những nội dung các bạn đã đọc, đã tiếp nhận, tức là bạn phải ghi lại (trong sổ tay, trên điện thoại, trên máy tính). Nếu chúng ta không có thói quen viết lại, ghi chú lại thì sau khi đọc 1 quyển sách, ta sẽ không nhớ gì mấy.
Sau một thời gian, khi mà em muốn đọc lại một cuốn sách cũ đã đọc, thì em chỉ cần đọc lại những cái take notes, những cái suy nghĩ mà em đã ghi chú lại trong quá trình đọc sách, thì em đã có thể hình dung ra được cuốn sách đó viết về nội dung gì, nó tiết kiệm thời gian cho chúng ta hơn rất nhiều. 

III. SAU KHI ĐỌC

Áp dụng kiến thức đã tiếp thu thực tế vào thực tiễn (cuộc sống thường ngày, học tập, vào công việc, vào sức khỏe), thế nhưng, ta phải giữ thái độ công tâm, tức những điều luôn đúng với người khác, chưa chắc đã đúng với mình. 

Quá trình tiếp nhận: thực hành, áp dụng nó với thái độ công tâm -> Viết review lại quá trình mình áp dụng, mình thực hành kiến thức đó vào cuộc sống, ghi lại thường xuyên xem việc mình áp dụng có thực sự hiệu quả không? -> Nếu hiệu quả, tức quyển sách đó đã giúp ích được cho bạn, hãy tiếp tục áp dụng để cải thiện -> Nếu vẫn không có hiệu quả, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp mới. 

Nguyễn Anh Hào  (Học sinh lớp 11D2, Trường THPT Bình Phú)
Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bình Dương năm 2023

Một số hình ảnh mình họa tại buổi tọa đàm
 Nguyễn Anh Hào trình bày nội dung “Chia sẻ cách tiếp cận và
 xử lý thông tin từ sách”
 
Tác giả Nguyễn Anh Hào tham gia phiên thảo luận 
CÁC TIN KHÁC