Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương. Ông cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2018, điểm đáng mừng nhất trong bức tranh kinh tế của tỉnh là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước cao hơn nhiều so với năm trước. Thực tế này dường như cho thấy, DN trong nước đang dần lấy lại tầm quan trọng của mình. DN trong tỉnh đã phát huy nội lực của mình, cũng như đã tận dụng tốt các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập.
|
Một góc phân xưởng sản xuất tại Cổng ty Cổ phần may mặc Bình Dương.
Ảnh: PHƯƠNG LÊ
|
- Trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo, DN có vốn trong nước sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Theo tôi, 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính để hỗ trợ DN phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đồng thời, đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi... dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.
Dù vậy, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều trước sự thay đổi một số chính sách của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, cũng như những biến động của kinh tế thế giới .
- Hiện nay, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề sự biến động của các nền kinh tế chủ chốt sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của DN Việt Nam, đặc biệt khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
- Theo quan điểm của cá nhân tôi, trước mắt DN sẽ đối mặt với việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nước ngoài. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do vậy cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế lớn cũng có thể tác động tới hoạt động xuất khẩu.
Nổi bật là việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc sẽ khiến sản phẩm Trung Quốc, gồm cả những mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như dệt may, da giày, đồ gỗ... tràn vào Việt Nam. Trước mắt, đây là thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần là chiến tranh thương mại với các sắc thuế, mà còn liên quan đến các vấn đề cơ cấu kinh tế, tiền tệ, tín dụng… của nhiều nền kinh tế, và có thể tác động tới Việt Nam.
- Trở lại vấn đề DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông, DN trong nước phải thay đổi như thế nào để hội nhập sâu rộng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu?
- Để giúp các DN phát triển và hội nhập thành công, các DN cần phải thay đổi lại tư duy trong sản xuất và khâu tổ chức sản xuất. Hạn chế trong nhận thức và tuân thủ các quy định của chuẩn mực xuất khẩu, chưa biết cách giới thiệu sản phẩm và chứng tỏ năng lực của DN với các công ty nước ngoài là những trở ngại khiến DN Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN cần phải nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu: Số lượng bao nhiêu, sản phẩm nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi. Từ đó các DN thấy được vị trí của mình cũng như những hạn chế nào còn tồn tại cần khắc phục để có thể đáp ứng những yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu: Những quy trình nào cần phải được đặt ra, những chứng chỉ nào cần phải được cung cấp, những kỹ năng nào cần phải được phát triển… Khi những điểm trên được làm rõ sẽ hỗ trợ quyết định đầu tư của DN, giúp DN thiết lập sự ưu tiên, thuê mướn, phát triển sản phẩm mới.
Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, yếu tố trách nhiệm xã hội đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các DN Việt Nam. Nếu DN không tuân thủ trách nhiệm này sẽ không thể tiếp cận được thị trường trong nước, cũng như vươn tầm ra thế giới. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho DN, mà còn mang lại lợi ích cho cả quốc gia.
- Ông vừa đề cập đến vấn đề trách nhiệm xã hội là một yếu tố quan trọng của DN trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
- Trách nhiệm xã hội của DN đã trở thành một trào lưu thực thụ và phát triển rộng khắp thế giới. Người tiêu dùng tại các nước phát triển hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn coi trọng cách thức các công ty làm ra sản phẩm đó. Họ muốn biết liệu các sản phẩm họ định mua có thân thiện với môi trường sinh thái, với cộng đồng, có tính nhân đạo và có lành mạnh hay không. Hiện nay, các phong trào bảo vệ quyền của người tiêu dùng và môi trường phát triển rất mạnh ở nhiều nước. Và hiện nay, đây là một yếu tố mang tính quyết định khi các đối tác nước ngoài chọn DN hợp tác.
Ở nước ta, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN thường vẫn được xem là một hành động giải quyết những vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội của DN nhìn chung phải được hiểu là cách thức mà một DN đạt được sự cân bằng hoặc kết hợp những yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông và các bên đối tác. Do đó, đẩy mạnh phương châm làm việc của DN gắn với trách nhiệm an sinh xã hội là gắn trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó giúp DN khẳng định được vị thế và phát triển một cách bền vững nhất.
Trước đây, một DN muốn tạo dựng được thương hiệu, ngoài chất lượng, giá thành sản phẩm còn cần điều kiện tạo ra sự khác biệt. Còn hiện tại, bên cạnh những yếu tố trên, muốn phát triển bền vững các yếu tố về xã hội như điều kiện việc làm, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phúc lợi xã hội (lương, thu nhập…) lại đang đóng vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều DN địa phương hiện đã xác định được vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược an sinh xã hội gắn với phát triển kinh doanh của DN. DN nên hiểu rằng, đây chính là chìa khóa giúp DN tăng năng lực cạnh tranh, hướng đến sự phát triển bền vững. Bởi lẽ, hiện chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm… mà đang là thời kỳ phải tạo ra được sự cạnh tranh bền vững nhất, trong đó các vấn đề liên quan chủ yếu đến cộng đồng như y tế, xã hội, môi trường, nguồn nhân lực… đóng vai trò hết sức quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,86% (kế hoạch năm 2018 tăng 9% so với năm trước); kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 11 tỷ 152,4 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh tiếp tục tăng so với cùng kỳ, như sản phẩm gỗ tăng 15,5%, hàng dệt may tăng 17,8%, giày dép tăng 14,7%, gốm sứ tăng 9,5%, mủ cao su tăng 9,9... Riêng ngành gỗ của tỉnh đã mở rộng 5 - 10% thị trường xuất khẩu mới và đang có xu hướng phát triển thêm các đơn hàng so với cùng kỳ năm trước. Ngành dệt may, giày da trong năm nay cũng có khả năng tăng trung bình từ 10 - 15% so với mức thực hiện của năm ngoái.
TIỂU MY (thực hiện)
Theo baobinhduong.vn