[ Đăng ngày:
29/03/2022
]
Paris 55 ngày cấm túc – Nhật ký viết từ tâm dịch
“Paris 55 ngày cấm túc – Nhật ký viết từ tâm dịch”. Tôi đã rất tò mò và háo hức khi cầm trên tay quyển sách này. Tò mò vì 2 chữ “cấm túc”, vì không biết ở nước ngoài người ta đã sống như thế nào trong thời gian cách ly? Có giống với những gì mà đất nước chúng ta đã trải qua? Háo hức vì trong cuộc đời mỗi người đều có những dấu ấn, những cột mốc, những tháng ngày không bao giờ quên được. Đó có thể là kỷ niệm vui, buồn hay đơn giản chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua nhưng lại có ảnh hưởng với mỗi người. Liệu rằng mỗi người sẽ đối diện và vượt qua như thế nào? Riêng với bản thân tôi thì năm 2020-2021 là khoảng thời gian đáng nhớ và cũng đáng buồn nhất, bởi đó là lúc dịch Covid 19 hoành hành dữ dội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Virus Corona đã để lại những hậu quả vô cùng khủng khiếp cho nhân loại, trở thành nỗi kinh hoàng cho cả thế giới. Số ca nhiễm mới, số bệnh nhân tử vong mỗi ngày một tăng khiến cho người người lo sợ, nền kinh tế bị trì trệ, đã có lúc các nước phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, phong tỏa những khu vực có người bị nhiễm và thực hiện lệnh giới nghiêm. Không thể tưởng tượng được ở thế kỷ 21 mà để được đi ra đường bạn phải có giấy tờ hợp lệ và giới hạn về thời gian. Không thể tin được suốt cả tuần lễ chúng ta phải nhốt mình ở trong nhà, muốn đi chợ, đi siêu thị mua lương thực phải có phiếu! Nguyên nhân của tất cả những vấn đề đó là do virus Corona, một loại virus có tốc độ lây lan nhanh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Giáng Hương - một người Việt Nam sinh sống ở Pháp cũng đã trải qua những tháng ngày như vậy, bị cấm túc trong suốt 55 ngày nước Pháp thực hiện lệnh giãn cách toàn xã hội. Khác với Việt Nam, nước Pháp mang tâm lý chủ quan ngay từ đầu. Với họ, Covid 19 cũng chỉ là bệnh cảm cúm thông thường. Người dân không mang khẩu trang, thậm chí những ai ra đường với chiếc khẩu trang đều sẽ bị nhìn với ánh mắt ái ngại. “Chính phủ ra sức tuyên truyền với dân chúng không đeo khẩu trang vì nó không hề có tác dụng bảo vệ bản thân”. Hậu quả là số ca nhiễm tăng theo chiều thẳng đứng, số người tử vong cũng theo đó mà tăng lên. Đến lúc này dân chúng hoang mang, các trung tâm y tế ra sức kêu gọi người dân tự may khẩu trang, thậm chí “nếu ai có khẩu trang dự phòng thì hãy nộp cho Nhà nước!”. Trong hoàn cảnh đó, tác giả đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc: lo lắng, hoảng sợ, mệt mỏi, nhưng đồng thời cô cũng có cơ hội sống chậm lại, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, quan sát và cảm nhận cuộc sống quanh mình để rồi nhận ra những vẻ đẹp bình dị mà cuộc sống hối hả thường ngày không cho cô cơ hội cảm nhận! “55 ngày. Cả Paris, cả nước Pháp, cả Việt Nam và cả thế giới run bần bật trong cơn sốt Covid 19. 55 ngày…một người Việt ở Paris đối diện với thực tại, với chính mình và những giả định, suy tưởng chết chóc, hoang mang, chập chờn, bất định…55 ngày. Đối diện với hôm qua, hôm nay và ngày mai…”
Nếu bạn muốn tìm hiểu nước Pháp đã trải qua dịch Covid 19 như thế nào? Người dân đã phải đối mặt với những khó khăn gì cũng như cách họ vượt qua dịch bệnh ra sao thì hãy đến Thư viện tỉnh Bình Dương để đọc quyển sách “Paris 55 ngày cấm túc – Nhật ký viết từ tâm dịch” của tác giả Giáng Hương nhé! Sách do NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh xuất bản năm 2021 và hiện có mặt tại phòng đọc và phòng mượn sách Văn học Thư viện tỉnh Bình Dương.
Rất mong được đón tiếp quý độc giả!
CÁC TIN KHÁC